Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng đấu giá hàng loạt sắc phong Việt Nam bị rao bán tại Trung Quốc

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về đấu giá hàng loạt sắc phong Việt Nam đã tạm dừng và không còn xuất hiện trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”.

Ngày 12/4, Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đăng tải thông tin vào 9 giờ 30 ngày 22/4/2023, tại Khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm (ký hiệu phiên đấu giá S23041).

Được biết, hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có những đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam. Ngay sau đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã đề nghị 5 địa phương xác minh thông tin nêu trên. Các địa phương Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận các đạo sắc phong bị rao bán là tài sản bị đánh cắp do địa phương quản lý.

Đạo sắc phong Việt Nam được thông tin sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4 đã được gỡ bỏ trên website Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” .
Đạo sắc phong Việt Nam được thông tin sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4 đã được gỡ bỏ trên website Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” .

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc, thông qua đàm phán ngoại giao bằng việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 để hồi hương các sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.

Bộ VHTT&DL nêu rõ, việc quản lý các hiện vật, di vật, cổ vật… trong di tích, bảo tàng, địa điểm liên quan thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp và quản lý Nhà nước của các địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu, chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá, trong đó cam kết: “Theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hoá nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan” (Mục (ii), khoản b, Điều 7).

Cùng với những nỗ lực phối hợp của cơ quan chức năng các bên, phía công ty đấu giá của Trung Quốc đã dừng đấu giá đạo sắc phong có nguồn gốc của Việt Nam. 

Thông tin liên quan tới các đạo sắc phong từng bị rao bán không còn trên website của công ty đấu giá. Phía Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải (Trung Quốc) sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam để giải quyết những vấn đề liên quan theo tinh thần thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970.

 

Theo Công ước UNESCO 1970 tại Điều 3 quy định “Việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá đi ngược với các điều khoản trong Công ước bị coi là bất hợp pháp”.

Tại Điều 7 quy định: Các quốc gia thành viên của Công ước cam kết thực hiện những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc gia nhằm ngăn chặn các bảo tàng và cơ quan tương tự nằm trong lãnh thổ nước mình thu nhận những tài sản văn hoá có xuất xứ và được đưa ra trái phép từ một quốc gia thành viên khác sau khi Công ước có hiệu lực tại những nước này. Bất cứ khi nào có thể, thông báo cho nước xuất xứ là thành viên của Công ước về tài sản văn hóa đã bị đưa trái phép ra khỏi nước này sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước.