Theo đó, ông Đệ cho rằng, vừa qua, một số cơ sở y tế tư nhân bị BHXH từ chối thanh toán với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, bị ép ký hợp đồng KCB BHYT với những điều khoản trái quy định của Luật BHYT sửa đổi và các văn bản hướng dẫn, thậm chí bị đơn phương chấm dứt hợp đồng KCB BHYT trái quy định. Tất cả số tiền cơ quan BHXH từ chối thanh toán, xuất toán đều đã được các cơ sở KCB thanh toán cho bệnh nhân. Đối với các cơ sở KCB tư nhân, phần lớn số tiền xuất toán, các DN phải vay ngân hàng và đang phải trả lãi suất hàng tháng. Một số DN cung ứng thuốc, vật tư y tế đã từ chối cung ứng tiếp cho các cơ sở KCB vì nợ đọng kéo dài, một số BV tư nợ lương bác sĩ, đối diện với nguy cơ phá sản.
Vì vậy, Hiệp hội BV tư nhân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo BHXH Việt Nam, Bộ Y tế kiểm tra, đánh giá lại nguyên nhân gia tăng quỹ KCB BHYT. Nếu số tiền gia tăng do nguyên nhân khách quan cần phải thanh toán cho các cơ sở KCB. Nếu số tiền gia tăng do nguyên nhân chủ quan, kiên quyết thu hồi về quỹ KCB BHYT. Hoạt động này phải được thực hiện minh bạch, khách quan, công bằng giữa cơ sở KCB Nhà nước và tư nhân.
Đa số hội viên Hiệp hội đến thời điểm này vẫn chưa được cấp ứng 80% kinh phí KCB BHYT theo quy định. Việc cấp kinh phí quá chậm, một số nơi cố tình “tạm giữ”, tạo cơ chế xin – cho, gây phiền hà, sách nhiễu đối với DN. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị BHXH Việt Nam khẩn trương cấp ứng kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT.Về xếp hạng BV, qua 10 cuộc họp, Bộ Y tế vẫn chưa thống nhất được, vì vậy đến nay khối BV tư vẫn chưa được xếp hạng để có cơ sở KCB BHYT và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật. Nội dung này Hiệp hối kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chí xếp hạng theo hướng ổn định như quy định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật như hiện nay các BV tư đang áp dụng.