Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để điều chỉnh “tí xíu” cũng phải “xếp hàng” lên Bộ Xây dựng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là lưu ý của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trước thực tế nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn phải “lên xếp hàng” tại Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cao tầng...

Đây cũng là vấn đề đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là công tác xây dựng thể chế.

“Điều chỉnh tí xíu cũng phải lên Bộ Xây dựng. Tình trạng này tạo khó khăn cho người dân và doanh nghiệp và gây lãng phí không cần thiết. Tinh thần sửa đổi là mạnh dạn phân cấp, không phải tư tưởng bao cấp, ôm đồm” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rõ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Tinh thần sửa đổi là mạnh dạn phân cấp, không phải tư tưởng bao cấp, ôm đồm”.

Cũng tại buổi làm việc sáng 17/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã truyền đạt 6 vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với ngành xây dựng với mong muốn ngành này chuyển động mạnh mẽ hơn trong nội tại.

Vấn đề đầu tiên liên quan tới công tác xây dựng thể chế. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh Luật Xây dựng năm 2014, nhất là về tính đồng bộ với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đô thị, Luật Bất động sản, Luật Đầu tư công… Bộ cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Đối với Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải làm nhanh nhất, sớm trình Chính sửa đổi bởi đây là rào cản. Nhất là, khi triển khai Nghị quyết 60 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, các bộ, địa phương đều nói giải ngân chậm do thủ tục, quy định xây dựng nghị định cũng như trong việc làm các thủ tục rất khó khăn.

“Như dự thảo sửa đổi Nghị định 59, tôi biết các văn bản đã đá đi đá lại nhiều lần. Như vậy thì không làm được, những gì vướng mắc thì các cơ quan liên quan phải trực tiếp ngồi lại với nhau, gỡ từng vấn đề một, sau đó lấy ý kiến thành viên Chính phủ, trình Thủ tướng ban hành sớm”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá Nghị định 59 là nghị định phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề nên việc sửa không phải dễ. “Đẩy mạnh hậu kiểm nhưng xây dựng có lúc phải kiểm điểm trước vì có khi đến hậu kiểm thì xảy ra sự cố rồi. Do đó, chính bản thân Bộ Xây dựng là cơ quan đề xuất, trình sửa Nghị định này. Phân cấp lần này rất mạnh mẽ, bao gồm cả phân cấp đến địa phương, ngành, tổng công ty, tập đoàn có liên quan đến xây dựng”, Bộ trưởng Hà cho biết.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt lại nhiều nội dung khác được xã hội, dư luận quan tâm mà Thủ tướng chỉ ra để Bộ có thể thay đổi mạnh mẽ về nhận thức. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến vấn đề công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Việc này đã được Bộ quan tâm, nhưng trong thực tiễn thì thực hiện chưa nghiêm. Từ đó dẫn tới tình trạng phá vỡ quy hoạch ban đầu, thậm chí có tình trạng nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cả cơ quan Nhà nước.

“Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng hết sức quan tâm công tác này, làm sao vừa phân cấp tạo thuận lợi cho địa phương, vừa gắn trách nhiệm kiểm tra giám sát của Bộ và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.