Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để lòng tốt bị chai sạn

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quan niệm của Phật giáo, “lòng yêu thương” là một trong 8 điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời con người.

Theo giáo lý nhà Phật, mỗi người khi sinh ra đều có sẵn trong mình bổn tính thiện, lòng trắc ẩn, sẵn sàng giúp đỡ những người yếu thế, kém may mắn hơn mình. Tuy nhiên, việc một số người coi hành động lừa gạt tình thương của đồng loại là một nghề đã khiến tình thương, lòng trắc ẩn trong mỗi con người ngày một chai sạn.
 Nguyễn Văn Dũng được lực lượng CSGT giúp đỡ
Cuối năm 2016, trên mạng xã hội xuất hiện video một ông bố trong trang phục nhem nhuốc đạp xe đạp, địu con sau lưng đi nhặt rác trong đêm rét khiến nhiều người thương cảm, xót xa. Ngay sau video này, nhân vật chính trong câu chuyện - Đào Đức Khiêm (Long Biên, Hà Nội) đã lên mạng xã hội chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Nào là, trước đây là đại gia trong lĩnh vực bất động sản nhưng do niềm tin đặt nhầm chỗ nên trắng tay; vợ bỏ đi để lại 3 đứa con nhỏ nên phải đi nhặt rác hàng đêm kiếm sống… Sau khi câu chuyện này được chia sẻ, nhiều người đã đem quà, tiền… đến để giúp đỡ Khiêm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những người từng rớt nước mắt cho số phận của Khiêm đã không khỏi bàng hoàng, tức giận khi phát hiện đây chỉ là màn kịch do Khiêm dựng lên nhằm lợi dụng lòng thương của cộng đồng để lấy tiền ăn chơi.
Và mới đây nhất, một số tờ báo đưa tin, trong quá trình làm nhiệm vụ, các chiến sỹ Đội CSGT số 15, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã phát hiện một người đàn ông bị ngất ven đường. Ngay sau đó, người đàn ông này đã được CSGT đưa về trụ sở nghỉ ngơi, ăn uống. Sau khi “hồi sức”, người đàn ông này cho biết mình tên là Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi, dân tộc Ê Đê, đang sống ở Đắk Lắk), làm nghề phu hồ bị chủ lừa, không có tiền về quê. Trước hoàn cảnh này, các chiến sỹ CSGT đã quyên góp tiền bạc, dùng xe chuyên dụng đưa Dũng ra Bến xe Nước Ngầm để về quê. Thế nhưng, cũng chỉ vài giờ sau khi thông tin được đăng tải, cộng đồng mạng đã cung cấp nhiều hình ảnh, thông tin về nhân vật này. Theo đó, đây là đối tượng đã… nhiều năm rơi vào hoàn cảnh “bị lừa”, “bị móc túi” và không có tiền về quê.
Thực tế cho thấy, những trường hợp như Khiêm, Dũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, trong xã hội hiện nay còn rất nhiều những hoàn cảnh éo le, khó khăn vẫn đang cần nhận đươc sự giúp đỡ của toàn xã hội. Tuy nhiên, “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, hiện không ít người đã đoạn tuyệt với việc giúp đỡ những người ăn xin, họ sẵn sàng bị day dứt trong lòng còn hơn để tình thương bị đặt nhầm chỗ. Có thể khẳng định, việc cho hay không cho là quyền của mỗi người. Thế nhưng, trong hoàn cảnh toàn xã hội đang dùng những cái tốt đẹp để đẩy lùi những cái xấu thì việc lo ngại “tình thương bị đặt nhầm chỗ” mà quay lưng với những mảnh đời bất hạnh là điều đáng phải suy nghĩ. Bởi, khi giúp đỡ một ai đó, chúng ta đã làm được một việc thiện. Điều đó đáng giá hơn sự hoài nghi bị lừa dối. Nếu chỉ vì sợ bị lừa dối mà không giúp đỡ người khác thì chúng ta chỉ giữ lại cho mình những đồng tiền lẻ. Và cũng từ đó, chúng ta sẽ cạn dần đi lòng trắc ẩn đối với nỗi khổ và sự khó khăn của con người. Và đó mới là điều đáng sợ nhất.