Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để một phong tục đẹp đầu năm mất đi ý nghĩa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.

KTĐT - Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.

Tết Nguyên đán vốn được coi là nét văn hoá đặc sắc của người Việt Nam nói riêng và nhiều dân tộc châu Á nói chung.

Không biết từ bao giờ tục mừng tuổi đầu năm (lì xì) ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác và đến giờ vẫn được gìn giữ. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết, đồng thời không quên mừng tuổi khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.

Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.

Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...

Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra… Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.

Vào thời điểm trước Tết, nhiều người đã phải rất vất vả mới đổi được tiền mới và tiền lẻ để mừng tuổi.

Tuy nhiên, ngày nay lì xì không đơn giản là cầu may nữa, nó cũng đang bị thương mại hóa và mất dần đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh tục lì xì cho trẻ.

Anh Tuấn đang rót nước mời khách, cu Vịnh ở đâu chạy về cũng rất lễ phép chào khách, người khách rút phong bao ra mừng tuổi cho cu cậu và không quên lời chúc “Chúc cháu hay ăn, chóng nhớn và học giỏi nhé”.

Cu Vịnh cũng không quên cảm ơn khách, tuy nhiên cậu lại xé ngay bao lì xì trước mặt khách và lẩm bẩm “có mỗi mười nghìn” nhưng cũng đủ để cho khách nghe thấy. Anh Tuấn ngượng chín người mà chẳng biết làm thế nào đành bảo con ra ngoài chơi.

Anh tâm sự, mình cũng quên mất là con đã lớn và nhận biết được mệnh giá tiền nên mới để xảy ra tình huống dở khóc, dở cười này.

Một chuyện khác cũng bi hài không kém. Vợ chồng chị Lệ ở Cầu Giấy Hà Nội về Thái Bình ăn Tết, sáng mồng Một Tết cả nhà đang bận rộn chuẩn bị mâm cơm thắp hương tổ tiên. Bỗng nhiên cô cháu gái (con chị chồng vừa cùng với bố mẹ sang chúc Tết ông bà) nói to: “Mợ Lệ ơi mẹ cháu bảo sang đây sẽ được mợ mừng tuổi đấy, thế mà từ nãy đến giờ chưa thấy đâu cả.”

Vì là dâu mới nên chị Lệ cuống cuồng đứng lên vội vàng vào lấy phong bao lì xì đã chuẩn bị sẵn đưa cho cô cháu và đỡ lời: "Mợ quên mất, chúc cháu năm mới ngoan và hay ăn chóng lớn nhé." Lúc này người chị chồng mặt đỏ tía tai vội vàng mắng con rồi cười chống chế nói: “Không có chuyện đó đâu, tính con bé nó thế đấy, hay phịa chuyện.”

Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp, giữa những người lớn, hai bên vốn đã có hoặc đang hình thành quan hệ tiền tài và quyền thế địa vị xã hội, số tiền mừng tuổi cho trẻ con càng lớn.

Trao tiền cho trẻ con mà người ta mua được thiện cảm và có khi cả uy lực của cha mẹ các cháu để xoa dịu bớt nỗi lo âu trong quan hệ đời thường. Những đồng tiền mừng tuổi không chỉ còn mang tính ước lệ, tượng trưng hay ví dụ nữa, mà tất cả đều được cụ thể hoá ra. Có nơi tuỳ vào mối quan hệ, nhờ vả, “chút lộc nhỏ đầu xuân” ấy được thay bằng tiền triệu hoặc bằng "vé” ... nhằm để đưa hối lộ, đút lót cho cha mẹ của bọn trẻ, chứ làm gì có ai mừng một đứa trẻ cả triệu bạc hay vài ba triệu.

“Mừng tuổi đầu năm vốn là nét văn hoá rất tốt đẹp của người Việt Nam,”,chị Mai giáo viên Trường phổ thông trung học Trần Phú tâm sự. Khi được hỏi về những mặt trái xung quanh phong tục mừng tuổi đầu năm, chị Mai cho rằng: “Nhiều hay ít không phải là vấn đề, vấn đề thật ra nằm ở thái độ và mục đích của những người lì xì. Thái độ và mục đích tốt thì nó tốt, thái độ và mục đích xấu thì nó xấu... Mừng tuổi cũng là văn hoá.”

Theo chị Mai, các bậc phụ huynh cũng nên nhắc nhở các con về giá giá trị của đồng tiền nhưng cũng không quên dặn dò các con về việc nhận tiền mừng tuổi như thế nào cho đúng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên mừng tuổi trẻ những đồng tiền có mệnh giá quá cao bởi trẻ con chưa biết tiêu tiền và có thể dẫn đến những hậu quả không tốt.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết, tuy nhiên tục lệ này chỉ đẹp khi được thực hiện đúng ý nghĩa mang đến sự may mắn, thuận lợi cho người được nhận, chứ không đặt nặng giá trị vật chất./.