Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để người dân kêu mãi!

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc tiếp xúc chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vừa tổ chức, hàng loạt những bất cập trong quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư đã được chính những người trong cuộc là các hộ dân đưa ra.

Từ thang máy chất lượng kém, dịch vụ không đáp ứng nhu cầu, thiếu thiết bị phòng chống cháy nổ, không minh bạch trong quản lý tài chính… cho thấy ngổn ngang những vấn đề cần giải quyết.
Đây không phải lần đầu tiên những bất cập này được nhắc đến. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND TP, cử tri cũng không ít lần kiến nghị về vấn đề này. HĐND TP cũng từng giám sát, tái giám sát về vấn đề này, không ít kiến nghị đã được đưa ra; Hà Nội đã sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách TP nhiều tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện công tác bảo trì đối với quỹ nhà chung cư tái định cư trên địa bàn, nhưng vẫn chưa giải quyết được thấu đáo các vấn đề.
Chỉ riêng chuyện thành lập ban quản trị (BQT) tòa nhà, sử dụng quỹ bảo trì 2% thế nào cũng có không ít điều đáng nói. Trên địa bàn Hà Nội có 173 tòa nhà chung cư tái định cư, nhưng đến nay, các đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư mới tổ chức thành công được 21 hội nghị nhà chung cư để thành lập 21 BQT (tòa nhà, cụm tòa nhà) của 23 tòa nhà chung cư. Và theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với những nhà chung cư có kinh phí bảo trì 2% thì chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà chung cư phải chuyển giao cho BQT tòa nhà quản lý sau khi được thành lập; trường hợp BQT chưa được thành lập thì đơn vị được giao quản lý vận hành tạm quản lý, việc sử dụng kinh phí bảo trì này phải được sự đồng ý của chủ sở hữu nhà chung cư. Trong cuộc tiếp xúc vừa qua, người dân rất muốn công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ này. Không ít người dân phản ánh, mong muốn và đề nghị được thành lập BQT, nhưng phía đơn vị quản lý tòa nhà lấy nhiều lý do, khiến sau nhiều năm họ vẫn không thành lập được, đồng nghĩa với việc kinh phí bảo trì không được chuyển lại cho cư dân quản lý.
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc do chưa có văn bản pháp luật quy định riêng về quản lý, vận hành và sử dụng quỹ nhà tái định cư, sự không tìm được tiếng nói chung, cộng với những bức xúc nảy sinh từ thực tế việc quản lý, khai thác diện tích dành cho mục đích công cộng và kinh doanh dịch vụ thiếu chặt chẽ... làm cho vấn đề quản lý vận hành nhà tái định cư vẫn là bài toán “nóng” không dễ giải.
Như lãnh đạo TP đã khẳng định, TP không những không bao che mà còn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm về mặt hình sự nếu cần thiết với những đơn vị sai phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư. Để nhà tái định cư không còn là nỗi ám ảnh với nhiều người dân khi Nhà nước thu hồi đất, lãnh đạo TP đã yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện việc rà soát, phân loại quỹ nhà tái định cư. Đề xuất quy trình, quy định vận hành, quản lý từng nhà, từng khu cho phù hợp với nguồn gốc hình thành; hoàn thành các hạng mục sửa chữa cấp bách. Các khoản tiền thu được từ khai thác kinh doanh diện tích tầng 1 và tầng hầm (nếu có) của nhà chung cư, kinh phí bảo trì ưu tiên giao cho người dân quản lý để duy trì chất lượng, sửa chữa kịp thời các hư hỏng phát sinh thuộc phần sở hữu chung… Từ những chỉ đạo cương quyết đó, nhiều người hy vọng, để các chính sách thực thi của pháp luật cũng như những chỉ đạo của TP đáp ứng được đúng mục đích, triển khai hiệu quả rất cần sự tâm huyết của các cấp, các ngành, đơn vị quản lý. Để không còn chuyện, đơn vị triển khai thực hiện rất chậm, chưa làm hết trách nhiệm được giao lại “đổ lỗi” bởi vướng cơ chế chính sách, ý thức chấp hành của người dân, nhất là thiếu kinh phí để duy tu, bảo trì…