Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để người dân ngại lập doanh nghiệp

Minh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 35/NQ - CP về hỗ trợ và phát triển DN đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN.

Để hoàn thành mục tiêu này, nhiều tỉnh, thành coi các hộ kinh doanh cá thể là nguồn quan trọng trong chiến lược phát triển DN. Tuy nhiên, việc vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình DN đang gặp khó vì phần lớn các hộ kinh doanh đều ngại ngần, chưa thực sự mong muốn chuyển đổi lên DN.

 Số lượng doanh nghiệp đăng kí mới và trở lại hoạt động tăng nhanh trong thời gian qua

Không khó để có thể hiểu lý do vì sao. Thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh cá thể sử dụng nhiều lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội và gần như cũng không có cơ quan nào kiểm tra. Trong khi chuyển đổi sang mô hình DN, đơn vị kinh doanh sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn về các vấn đề này. Một lý do quan trọng khác cũng cần phải kể đến xuất phát từ thực tế không ít chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh lo ngại về những rủi ro liên quan đến thủ tục thuế và kế toán khi chuyển sang mô hình DN. Hộ kinh doanh nhỏ, ít vốn, kinh doanh không lãi được bao nhiêu, mà phải mất tiền thuê kế toán thì chi phí quá lớn. Đó là chưa kể đến việc khi thành lập DN cũng đồng nghĩa với việc thường xuyên bị các đoàn thanh, kiểm tra như bảo hiểm, phòng cháy chữa cháy... đến kiểm tra hàng năm. Trở thành DN lợi đâu chưa thấy mà phải đối diện với những thực tế trên khiến nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không mấy mặn mà.

Tuy nhiên, nhìn dài hạn hơn, khuyến khích các hộ kinh doanh (hiện có tới khoảng 4,6 triệu hộ) chuyển đổi lên DN là việc cần thiết, không chỉ để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, mà còn giúp cho công tác quản lý dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, như trốn thuế, kinh doanh trái phép... Mặc dù vậy, thay vì thúc ép cần có những chính sách để khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh tự nguyện chuyển đổi. Để làm được điều này, trước hết cần phải tạo động lực mạnh cho các hộ tự giác chuyển đổi thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là đối với thuế và kế toán, phải kiểm soát việc thanh tra, kiểm tra và có cơ chế khuyến khích, như giảm thuế cho các hộ kinh doanh mới chuyển lên DN… Việc chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành DN chỉ thành công khi mỗi hộ tìm thấy lợi ích của sự chuyển đổi này.