Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng như các đợt giải cứu dưa hấu, hành tím, vải thiều… trước đó, cuộc khủng hoảng giá lợn năm nay cơ bản đã qua nhưng nguy cơ quay lại của chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà hiện tượng giá trứng, giá gà sụt giảm đang là mối lo của các chủ trang trại, người chăn nuôi.

Cho nên, làm sao chấm dứt tận gốc tình trạng đó là điều cần được đặt ra.
Nói về nguyên nhân của tình trạng lợn rớt giá thê thảm như hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường  cho rằng có  hai nhóm chính. Một là, thị trường đang rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu và đây được xem là nguyên nhân chính. Số lượng thống kê cho thấy trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Tiếp đến là, tổ chức ngành hàng thịt heo chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến khi có sự cố thị trường thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ. Việc chế biến còn yếu, chưa theo kịp sản xuất.
Ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là đúng nhưng chưa đủ. Có lẽ tâm lý tiểu nông, làm ăn theo kinh nghiệm, theo phong trào và không  tính được thị trường đủ rộng và vững chắc cho chăn nuôi mới là nguyên nhân chính. Nông dân ta, làm ăn theo kinh nghiệm: “Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Đó là kinh nghiệm nghìn đời nay không đổi, không được trái. Người sản xuất không biết thông tin, không nắm bắt được thị trường, không dự báo được nhu cầu. Người sản xuất cứ việc sản xuất, còn những việc khác có người khác lo. Thứ hai là, việc làm ăn của nhà mình nhưng theo thành bại của nhà  người. Giống nào, con nào tốt, bán có lãi, nhà kia làm, ta cũng làm theo… Thế cho nên khoai lang tím, dưa hấu, cà phê, vải thiều, hành tím bảo một trồng mười, diện tích luôn đội lên, dù phải phá rừng, vắt kiệt nước, ế hàng.
Nói người khác lo là nói đến Nhà nước. Nhưng Nhà nước là cán bộ cụ thể,  trong số cán bộ cụ thể này có nhiều người cũng tư tưởng nông dân, lại quản lý một đất nước đói nghèo, cái gì cũng thiếu nên thấy nhiều là thắng lợi, bao năm rồi chỉ lo tăng sản lượng không chú ý đến chế biến, thị trường. Đâu biết thị trường và chế biến mới là khâu quyết định giá trị gia tăng của nông sản. Đã sản xuất phải tính đến tiêu thụ. Trong đó xuất khẩu là quan trọng. Nước ta bên cạnh Trung Quốc, đã bé lại nghèo, phải giữ vững độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền nhưng phải hữu nghị, dựa vào họ mới sống được. Thị trường Trung Quốc lớn lại dễ tính, nhưng lâu nay ta chưa chú ý. Phần nhiều nông sản xuất sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch, chưa có con đường chính thức, tất cả do thương lái thao túng, phía chính quyền bạn không chịu trách nhiệm. Đó là cái gốc của gạo mốc trong kho, dưa hấu đổ đi, một kilogam thịt lợn bằng hai mớ rau muống. Đó cũng là nguyên nhân của trăm thứ nông sản bí đầu ra.
Bao giờ cũng vậy, con đường xuất khẩu, đặc biệt là sang những thị trường lớn như Trung Quốc là giải pháp hàng đầu. Đừng để nước đến chân mới nhảy. Vừa qua Bộ NN&PTNT đã cử một đoàn công tác sang làm việc với Trung Quốc để xúc tiến thương mại, đưa một số sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch. Hy vọng rằng trong một thời gian nữa, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam, mở ra cơ hội để giải quyết dư thừa trong nước, cũng như phát triển ngành chăn nuôi. Trong khi chờ đợi, cần giảm phát triển các nhà máy, DN chế biến thức ăn gia súc để giảm sản xuất thịt. Một nước có hàng trăm loại thức ăn gia súc, thit dư thừa sẽ hàng triệu tấn.
Về lâu dài, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước cần đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành, tăng quy mô chế biến. Quan trọng là phải giám sát được quy hoạch, tránh tình trạng khi giá cao thì sản xuất ồ ạt, đến khi giá giảm thì hô hào giải cứu. Đó là điều cần rút ra sau vụ thịt lợn rớt giá thê thảm vừa qua, cũng là bài toán chấm dứt điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” làm nông dân khốn đốn như hiện nay.