Đường vào ngõ hẹp, xe cứu hỏa phải đỗ xa, kéo dây ống vài chục mét mới vào tới nơi. Nguồn nước lại không ở gần, nên hàng mấy giờ mới dập tắt được ngọn lửa. Hai người lớn ở trong nhà không có lối thoát, lúc cứu được người ra thì đã ngất vì ngạt khói. Nhìn nhà mình cũng loại nhà ống, trước đây mỗi lớp nhà đều có một khoảng trời cách nhau lấy ánh sáng và thông thoáng khí trời. Những năm còn bao cấp, anh em trong nhà lớn lên, lấy vợ, lấy chồng sinh con đều bấu víu cả vào nhà bố mẹ, nên đã xây thêm, bịt kín cả sân làm ngôi nhà tối tăm, ban ngày cũng phải bật đèn. Anh bàn với các em: “Trông người lại ngẫm đến ta, nói dại, nếu nhà mình bị hỏa hoạn thì biết chạy ra lối nào, khi thần lửa đã bịt mặt tiền”. Ba anh em đều thấy phải: “Đừng để nước đến chân mới lo. Ta phải tìm ra lối thoát hiểm”. Bà chị dâu cả nhanh nhảu: “Tôi nghĩ ra rồi. Bên tay phải nhà ta là nhà ông Bách cao hơn nhà ta một tầng, mái bằng. Ta chỉ cần mua một chiếc thang tre dài đặt sẵn ở sân thượng. Khi cần mình dựng lên, trèo thang thoát sang bên cạnh để ra ngoài”. Chú em anh Lân thêm: “Bể ngầm dưới nền nhà lúc nào cũng phải cho chứa đầy, lúc cần cũng có nước dự trữ để dập”. Hôm sau, anh Lân sang bên hàng xóm xin phép ông Bách để mua thang về phòng xa. Ông Bách rất vui: “Ô, làm được thế thì tốt quá, không chỉ cho nhà anh, mà cả cho nhà tôi cũng có đường thoát hiểm! Ta tự cứu mình trước, còn hơn là để nước đến chân mới nhảy!”.