Trong khi cuộc tổng thanh tra này đang được tiến hành thì lại xảy ra chuyện tại một phòng khám tư nhân chưa được cấp phép ở huyện Thường Tín một bệnh nhi đã tử vong sau khi bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc, vừa tiêm. Lật lại hồ sơ, hồi tháng 6 năm nay, cũng tại cơ sở y tế này, chính bác sĩ Sơn cũng đã làm chết một bệnh nhân sau khi tiêm. Vì việc này, ông ta đã bị kiểm điểm, cắt phụ cấp làm thêm tháng 7 năm nay và cấm hành nghề khi chưa có phép. Vậy là lại thêm một phòng khám"chui", có thể là cả bác sĩ "chui" nữa đã làm chết người. Không chỉ vậy, trong thời gian này, ở tỉnh Cà Mau, ở TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác cũng xảy ra những vi phạm tương tự. Từ những chuyện trên, một câu hỏi được đặt ra, ở Hà Nội có bao nhiêu cơ sở y tế hoặc là chưa được cấp phép (tương tự như Thẩm mỹ viện Cát Tường) hoặc có cán bộ y tế hành nghề "chui" ở một cơ sở "chui" (như ở Thường Tín)? Câu trả lời là rất nhiều. Theo báo cáo kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác quản lý, kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ viện, spa chăm sóc da trên địa bàn TP Hà Nội thì từ đầu năm đến nay, đã có 291 cơ sở bị xử lý, tổng số tiền phạt lên đến gần 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành của TP cũng đã tiến hành kiểm tra 29 cơ sở, xử phạt 6 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 145 triệu đồng, đình chỉ 1 cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và đình chỉ 6 bác sĩ khám chữa bệnh không phép; 9 cơ sở được mời về Sở Y tế làm việc vì vi phạm hành chính. Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế, Hà Nội vẫn còn phòng khám hoạt động khám chữa bệnh không có giấy phép, không ít phòng khám sử dụng bác sĩ tham gia khám chữa bệnh không có tên trong danh sách nhân sự; có phòng khám hoạt động khám chữa bệnh một số chuyên khoa không nằm trong phạm vi chuyên môn được cấp giấy phép hoạt động quảng cáo của các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc trên mạng; nhân lực của cán bộ phòng y tế vừa thiếu vừa yếu; các cơ sở thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ xông hơi, massage chân là loại hình kinh doanh không điều kiện, không thuộc phạm vi của ngành y tế cấp phép, quản lý. Tình hình còn đáng lo ngại hơn nữa nếu tính cả các cửa hàng bán thuốc, những cơ sở chữa bệnh Đông y hoặc những nơi kinh doanh những mặt hàng y tế, một ngành kinh doanh có điều kiện trong đó có trình độ chuyên môn của người chịu trách nhiệm chính. Trong TP hiện có hàng ngàn cửa hàng bán thuốc tư nhân trong đó bằng cấp trong giấy phép là bằng thuê, bằng cho mượn. Nhiều dược sĩ trung cấp, cao cấp có tên trên bảng hiệu nhưng chẳng bao giờ biết cửa hàng đó ở đâu, kinh doanh ra sao. Xin nói thêm rằng, 37% trường hợp tai biến trong điều trị là do không hiểu về thuốc, dùng nhầm thuốc. Những cơ sở kinh doanh thuốc này cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp người mua tự mua thuốc chữa bệnh cho mình không cần bệnh viện, mua thuốc theo đơn nhưng không cần đơn khá phổ biến hiện nay. Người chịu trách nhiệm về thực trạng này tất nhiên là hệ thống các cơ quan chức năng của ngành y tế, những người thay mặt Nhà nước quản lý việc khám, chữa bệnh, cung cấp thuốc cho dân. Nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của các cơ quan, công chức của chính quyền các cấp đã để tồn tại hàng chục năm nay những cơ sở thẩm mỹ, phòng khám bệnh, cửa hàng thuốc, phòng tắm hơi, tắm thuốc, massage, tẩm quất… thật có, trá hình có hoạt động không phép trên địa bàn. Không chóng thì chầy, những vụ chết người ở phòng tắm hơi, tắm thuốc; những vụ tử vong vì dùng thuốc theo lời khuyên của nhân viên cửa hàng sẽ xảy ra. Lúc ấy chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ lại vội vàng đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp… um xùm, theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng". Để tránh những sự cố đáng tiếc, ngay từ bây giờ, phải có sự liên kết trách nhiệm giữa các cấp chính quyền với ngành chủ quản.