Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) năm 2024, đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) báo cáo: “Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ còn gọi là chung cư mini; 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao”.
Phần lớn nguyên nhân xảy ra cháy nổ chính là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… Trong đó rất nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh, chung cư mini không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp. Có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các vật dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn... Đây chính là những hành động tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ, mỗi người dân cần có kiến thức cho các tình huống thoát nạn khi sự cố xảy ra; trang bị thêm các bình cứu hỏa, các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết; luyện tập kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn. Các khu tập thể, chung cư mini… cần tăng cường trang bị hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho người dân.
Lắng nghe những chia sẻ từ anh Nguyễn Quang Hưng - Đội Phó Đội Quản lý điện 2 Công ty Điện lực Ba Đình: “Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức kiểm tra về sử dụng điện an toàn và PCCC trên địa bàn, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền tới người dân cần lưu ý các giải pháp tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện trong nhà bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật; lựa chọn dây dẫn điện có chất lượng cao, tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện để đảm bảo an toàn về điện và PCCC”.
Ngoài những tiêu chuẩn về hệ thống điện, các bình chữa cháy xách tay phải để ở nơi cố định, dễ thấy, dễ lấy và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị; thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn; đối với nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp.
Theo anh Nguyễn Văn Vân - Ban quản lý tòa chung cư mini Kinh đô, quận Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi hiểu được việc tuyên truyền và giáo dục về PCCC là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với cư dân sống tại tòa chung cư. Từ việc được tuyên truyền thường xuyên của Công ty Điện lực Cầu Giấy, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền các khuyến cáo PCCC bằng nhiều hình thức để cư dân có thể trang bị đầy đủ kiến thức nhằm ứng phó khi có các tình huống xấu xảy ra”.
PCCC không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là của từng người dân. Việc tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp PCCC sẽ giúp tạo ra một môi trường sống an toàn cho người dân.
Để thực hiện hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy mỗi người cần tích cực tìm hiểu thêm kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.