Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để trẻ gánh thêm nỗi buồn

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, số lượng các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn ngày càng nhiều, trong đó phần lớn đã có con chung. Không ít người đã nhân thêm nỗi bất hạnh, thiệt thòi của trẻ bởi sự ích kỉ cá nhân, những suy nghĩ tiêu cực... khi hôn nhân lỡ dở.

Thông thường khi đã có con, chuyện ly hôn sẽ phức tạp hơn rất nhiều lần vì người lớn đều không muốn gây tổn thương cho con trẻ. Dù cho hôn nhân không thể tồn tại, ly hôn là sự giải phóng, lối thoát cho người trong cuộc. Thì trên thực tế, ly hôn vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng, trước hết là những đứa con phải xa bố, mẹ hoặc không còn tình thương đủ đầy.

 Ảnh minh họa.

Bởi thế, chuyện bố mẹ ly hôn luôn là một “đả kích” rất lớn đối với trẻ, dù trẻ có thể đã hiểu chuyện. Lúc này, người lớn với tâm trạng cay đắng, nổi loạn khiến họ quên mất đối tượng nhạy cảm cần bảo vệ nhất thời điểm này chính là con trẻ. Không ít người, vô tình, đã biến con cái thành đối tượng để họ tra tấn nhau về tinh thần, tranh giành quyền lợi...

Một người phụ nữ tìm đến giải pháp ly hôn bởi nguyên nhân bị chồng ruồng rẫy, phụ bạc. Và khi đã “đường ai nấy đi”, chị vẫn thù hằn, cay cú người đã gây đau khổ cho mình. Cô con gái 5 tuổi được tòa quyết định cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Dù bản án ghi rõ “không ai được cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung” song chị chỉ cho phép anh và “đằng nội” đến đón con vào chiều thứ Bảy hàng tuần trong khoảng thời gian 3 tiếng. Chỉ cần “trả” con về cho chị chậm một chút theo quy định là chị mặt nặng mày nhẹ “trút hận” xuống đầu con bằng những lời quát tháo, những cái tát nảy lửa... Chưa dừng lại ở đó, chị còn thường xuyên nhồi nhét vào tâm trí con hình ảnh xấu xa, lệch lạc về người bố, về bên nội. Chính thái độ của chị càng gieo lên con nỗi hoang mang và khép mình trước tình cảm của bố, ông bà nội và cả những người xung quanh.

Không ít những đứa trẻ sau đổ vỡ, nếu sống chung với mẹ thì được giáo dục không tốt về bố, và ngược lại. Cách giáo dục này dẫn đến những đứa trẻ có suy nghĩ, hành động lệch lạc. Càng buồn hơn khi người lớn sẵn sàng mạt sát nhau trước mặt con cái mà không biết rằng chúng đang nhìn vào. Đứa con có thể không hiểu những gì bố mẹ chúng nói với nhau nhưng sẽ rơi vào tâm trạng sợ hãi.

Ở một khía cạnh khác, chính suy nghĩ phiến diện “ly hôn là chấm dứt tất cả” khiến nhiều người không trực tiếp nuôi con còn chểnh mảng, thờ ơ, thậm chí nhẹ nhàng phũ phàng rũ bỏ hết mọi trách nhiệm đối với con cái. Bởi thế, không ít những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình bố mẹ ly hôn thường bị chấn thương tâm lý rất nặng. Tác động dễ nhận thấy nhất là sự suy giảm sức khoẻ và khả năng học tập, nhận thức. “Cú sốc” bố mẹ chia tay khiến nhiều em bị mắc hội chứng trầm cảm, sống khép mình, đánh mất niềm tin vào cuộc sống, đó chính là nguyên cớ khiến các em bê trễ học hành, sa chân vào các tệ nạn xã hội.

Thực tế cuộc sống cũng cho thấy, không ít cặp vợ chồng sau chia tay vẫn chọn được cho mình một cách ứng xử văn minh để con cái luôn có sự bình yên, luôn được đón nhận tình cảm của cả bố và mẹ cũng như những người xung quanh. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cho dù vì bất cứ lý do gì, khi không giữ được tổ ấm trọn vẹn cho con cái, bố mẹ cũng đừng làm nỗi đau tăng thêm bởi cách hành xử của mình.

Ly hôn là quyết định cuối cùng mà những người đã kết hôn lựa chọn để giải quyết sự bức bối của mình. Nhưng ly hôn không phải là hết, đặc biệt với những người có con chung. Cái giữ được và cái sẽ mất đi mãi mãi sau ly hôn phụ thuộc rất lớn vào cách ứng xử của người trong cuộc. Càng ôn hòa thì những mất mát, tổn thương càng vơi nhẹ, cho đến sau này khi nhìn lại, họ sẽ không phải hối tiếc vì đã giận quá mất khôn. Sau ly hôn, người ta hoàn toàn có thể tạo ra cho mình một cuộc sống mới mà không phá hủy chính bản thân và con cái trong quá trình này.