Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng giơ cao đánh khẽ

Minh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là vấn đề giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa mà dịp Tết đến, vệ sinh an toàn thực phẩm lại là nỗi lo thường trực với nhiều người tiêu dùng.

Lo là bởi lâu nay những vi phạm ở lĩnh vực này rất phức tạp nhưng công tác quản lý vẫn còn bị “cắt khúc”, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát khép kín. Phải chăng các quy định xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe hay lực lượng chức năng vẫn còn “giơ cao đánh khẽ”? 

Mới đầu năm 2019, đã có 84 học sinh ở Cà Mau ngộ độc sau khi súc miệng dung dịch ngừa sâu răng, 15 học sinh ngộ độc trà sữa ở TP Hồ Chí Minh. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngày 14/1, Công an huyện Long Thành phối hợp với Chi cục Thú y huyện và UBND xã Long Phước, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy gần 3,5 tấn heo bệnh, heo chết và nội tạng từ heo bốc mùi hôi thối ở một cơ sở giết mổ. Những ngày áp Tết Kỷ Hợi - 2019, lực lượng chức năng của Hà Nội đã liên tục phát hiện, thu giữ nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm VSATTP. Như vụ thu giữ hàng tấn bánh kẹo dành cho trẻ em giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc (ngày 10/1); hay qua kiểm tra một số cơ sở bánh kẹo, lực lượng chức năng thu giữ nhiều sản phẩm làm từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc và nhái các thương hiệu nổi tiếng... chờ đóng gói để kịp bán ra thị trường dịp Tết...

Mặc dù triển khai nhiều biện pháp, tiến hành nhiều đợt ra quân, song năm 2018 vừa qua tiếp tục là một năm báo động về tình hìnhVSATTP. Theo báo cáo, Bộ Y tế đã xử lý vi phạm hành chính hơn 88 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017; các địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở vi phạm về ATTP, đã xử lý 41.229 cơ sở, trong đó phạt tiền hơn 82 tỷ đồng; Bộ Công an đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp lật về ATTP. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc xử phạt vẫn trong tình trạng “giơ cao đánh khẽ” khi việc xử lý vẫn chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính, thậm chí chỉ là… nhắc nhở; chỉ có 11 vụ với 15 bị can chuyển điều tra khởi tố…

Mới đây nhất, quận Thanh Xuân đã thành lập 14 đoàn liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua kiểm tra từ đầu tháng 1/2019 đến nay, phát hiện 64 cơ sở có vi phạm. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng liên ngành của quận chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 42,25 triệu đồng. 48 cơ sở còn lại có vi phạm (chiếm tỷ lệ 75%) chỉ bị... nhắc nhở. Tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều so với mức xử phạt vi phạm chung của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Luật về ATTP đã có, tuy nhiên, bên cạnh thay đổi tư duy về sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cũng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý những trường hợp vi phạm. Luật đã có, nỗi lo về VSATTP sẽ vẫn thường trực nếu vẫn còn tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, xử lý mà không đủ sức răn đe.