Anh hề thành… anh hài
Cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, chèo đang cố "vặn mình" thay đổi để tạo sức hút với khán giả. Muốn sân khấu "đỏ đèn", lẽ đương nhiên chèo phải mang hơi hướng thời đại và người làm nghề cũng nghĩ ra nhiều cách để chèo đến gần hơn với công chúng. Ví như mới đây, Nhà hát Chèo Hà Nội có những ý tưởng sáng tạo bằng việc cách tân chèo, để chèo tiếp cận được với khán giả trẻ. Những vở diễn "Ăn khế trả vàng", "Khắc nhập khắc xuất" hay "Cây đèn thần" được đẩy nhanh tình tiết để trình diễn phục vụ thiếu nhi… Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người viết chèo hiện nay mang nặng tâm lý "hiện đại hoá" chèo, mà bớt đi những câu ngân nga chậm rãi để đẩy tiết tấu vở diễn nhanh hơn. Nhiều người yêu mê chèo nói rằng, đến với sân khấu của những điệu "í a" hiện nay, người ta không còn gặp được tiếng cười hóm hỉnh, thâm thuý của vai hề như xưa. Ai cũng biết, điểm quan trọng và độc đáo của nghệ thuật chèo truyền thống là sự kết hợp hài hoà giữa cái bi và cái hài, mà nhân vật hề là chủ đạo để tạo yếu tố hài trong đó. Những vở chèo thiếu "anh hề" sẽ không bao giờ được đánh giá là hoàn chỉnh, bởi hầu hết những tiếng đả kích, phê phán cái ác, xấu, cái thấp hèn... đều toát lên từ nhân vật này. Song trong những vở chèo hiện đại, nhân vật hề như bị thay thế bằng một nhân vật hài thừa kế thủ pháp nghệ thuật của chèo truyền thống. Thế nên, vai diễn thiếu đi sự hóm hỉnh, thiếu cái ngơ ngác nhưng thâm thúy và sâu xa của anh hề chèo xưa…
Ít đi những làn điệu "í a", lại mất đi vai hề chèo duyên dáng, để thay vào đó bằng những "cây hài" chuyên gây cười bằng "chữ nghĩa", câu nói… nên chèo như bị kịch hóa.
Điều cốt yếu là đào hay, kép giỏi
Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn chia sẻ: "Đại đa số khán giả đang hướng về những tác phẩm giàu chất chèo. Một vở chèo có những trò vui vẻ hài hước cũng lấy được sự hưởng ứng của người xem. Nhưng chỉ khi nào người diễn viên trên sân khấu cất lên một câu hát hay mới làm người ta nức lòng vỗ tay tán thưởng. Cuối cùng thì người ta đi xem chèo vẫn là để nghe hát chèo chứ không phải xem một vở kịch có pha hát chèo". Nhưng nhìn từ Liên hoan Chèo toàn quốc diễn ra đầu tháng 11 vừa rồi, rất khó tìm thấy một giọng chèo nổi bật. Có lẽ đó cũng là lý do khiến các vở chèo không "hút" được người xem. Bởi dù có đầu tư tiền tỷ cho vở diễn, dù có cố gắng "tạo trò", gây cười đến mấy cũng không thể khỏa lấp được những chống chếnh trong các giọng ca chèo. Quả thật, nhìn diễn viên vào vai một cách cứng nhắc, mô phỏng, giới làm nghề không ít người xót xa…
Để có một vở chèo hay, cần cả 3 khâu kịch bản - đạo diễn - diễn viên. Bởi vậy, muốn có được những tác phẩm chèo để lại dấu ấn với công chúng thì chúng ta cần phải có cách để đào tạo được đội ngũ người làm chèo giỏi cả về viết kịch bản, đạo diễn và cả diễn viên. "Nhìn tương lai, tôi mới chỉ thấy vài cây viết trẻ ở độ tuổi 35 - 40 viết chèo tốt, còn để tạo nên một thế hệ viết chèo mới thì không có. Dạy hai khóa biên kịch kịch hát truyền thống ở Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi không thấy có một gương mặt nào có khả năng trở thành một nhà viết kịch cho chèo. Đó thực sự là một mối quan ngại lớn của nghệ thuật chèo"- nhà viết kịch Trần Đình Ngôn chia sẻ.
Liên hoan Chèo toàn quốc đã khép lại với niềm vui lớn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội khi cả 3 vở tham dự liên hoan đều "rinh" về giải thưởng quan trọng. Trong số đó, vở "Vương nữ Mê Linh" (đạo diễn NSƯT Thúy Mùi) được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhất, không chỉ bởi sự đầu tư "tiền tỷ", mà hơn tất cả là chất chèo trong "Vương nữ Mê Linh" vẫn thấm đượm tính dân tộc. Thế mới thấy, quan trọng nhất với chèo vẫn là "chất" chèo trong những điệu "í a" truyền thống, trong những giọng chèo "trụ cột" để chèo không bị "kịch hóa".
Một cảnh trong vở “Vương nữ Mê Linh”.
|