Theo thống kê tại hội nghị với nội dung tương tự được tổ chức ngày 27/9, số lượng thủ tục hành chính hiện nay của Bộ này là 447 liên quan đến 28 ngành nghề kinh doanh…
So với một ngành chiếm hơn 80% GDP thì con số thủ tục này không phải quá nhiều, tuy nhiên điều gây bức xúc trong cộng đồng DN là rất nhiều quy định của Bộ Công Thương đang là rào cản lớn, thậm chí đi ngược với xu thế hội nhập hiện nay.
Có thể kể ra đây không ít những văn bản, quy định mà ngành công thương chưa theo kịp yêu cầu: Chiến lược quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô; quy hoạch thép. Một số quy hoạch phát sinh phức tạp như quy hoạch thủy điện, một số công trình trọng điểm chậm, phát sinh vấn đề môi trường, nhiều công trình đắp chiếu gây bức xúc cho người dân. Rồi quy hoạch ngành bán lẻ, xây dựng chuỗi liên kết trong xuất khẩu… Ở từng lĩnh vực cụ thể, đã có không ít DN xuất khẩu gạo than thở vì quy định phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ… mới được cấp phép. DN kinh doanh gas kêu trời vì Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí (do Bộ Công Thương soạn thảo) là quá chặt chẽ và bất hợp lý, dẫn đến nguy cơ khoảng 10.000 DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực này phải rời khỏi thị trường. Trong khi DN nhập khẩu ô tô không ít lần lên tiếng, thậm chí phản ứng gay gắt về những bất hợp lý của Thông tư 20/2011/TT-BCT. Mới đây, lại đến DN ngành dệt may đề nghị xem xét lại quy định của Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm khiến nhiều DN vốn đang gặp không ít khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm lại thêm khó khăn hơn…
Những quy định này vô hình trung khiến môi trường kinh doanh bị méo mó, không khuyến khích được các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cùng tham gia. Trong khi chủ trương chung của Chính phủ trong công tác điều hành đó là tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, khuyến khích phát triển DN. Đây mới là động lực chính để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng các cơ hội của quá trình hội nhập sâu rộng.
Mặc dù như lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Không có chuyện người làm chính sách muốn ép DN…”, song để có được biến đổi tích cực thì cần có sự thay đổi không chỉ về mặt văn bản, mà còn là tư duy của người làm luật và có sự tham gia đóng góp ý kiến từ cộng đồng DN. Nếu vẫn còn những văn bản làm khó DN được ban hành sẽ không chỉ cản trở sự phát triển của DN cũng như cộng đồng khởi nghiệp, mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong xu thế hội nhập.