Tại sao chúng ta nói nhiều đến lãng phí, cũng như nói nhiều đến tham nhũng, mà kết quả phòng chống lại không cao? Nhìn ra nước ngoài thì thấy họ quy định rất chặt chẽ việc sử dụng kinh phí, tài sản công với danh mục, tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể, ai chi vượt ra ngoài thì chịu trách nhiệm, tự bỏ tiền túi ra đền. Đến dự hội nghị ở các nước, họ đâu có in phông màn, biểu ngữ hoành tráng, tốn kém như ở ta, cũng làm gì có phong bì, quà cáp?
Hồi tôi làm bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin thấy rất nhiều hội nghị lúc ra về thì nhận được cái túi xách, khi đựng cái áo, lúc đựng chiếc mũ mềm hoặc quyển sách... Từ đại biểu cao cấp đến người bình thường dự hội nghị ra về với cái túi xách ấy thì hình ảnh cũng không được lịch sự, sang trọng gì, có khi người nhận quà về cũng không sử dụng vào việc gì cả, mà kinh phí để tổ chức hội nghị, mittinh lại tăng lên. Lúc đó tôi đề nghị những cuộc mittinh như vậy là phải bỏ hết những quà tặng đó. Nhưng rồi chúng ta thực hiện cũng chưa được bao nhiêu và nó cũng chưa trở thành quy chế.
Có lần đồng chí Đỗ Mười đến dự một hội nghị cùng với tôi, có người đến định gắn hoa vào ngực thì đồng chí Đỗ Mười kiên quyết không cho gắn. Đồng chí nói với tôi: “Chú Nghị ạ, làm như vậy không được cái gì cả, mà lãng phí lắm”. Học tập đồng chí Đỗ Mười, tôi yêu cầu ngành văn hóa thông tin từ đó tổ chức các hội nghị, mittinh không được gắn hoa lên ngực nữa. Mỗi cái hội nghị hàng nghìn người, mỗi bông hoa vài nghìn đồng, gắn vào ngực chẳng để làm gì mà lại làm ô nhiễm môi trường. Đừng phung phí tiền của dân vào những việc không cần thiết...
Cha ông ta từ xưa được coi là cần cù, tiết kiệm. Nhưng tại sao đến khi đi vào sử dụng tài sản công thì sự lãng phí lại bắt đầu bộc lộ. Tài sản công bị coi là không của ai cả, thậm chí người nào quyết chi càng bạo tay, càng thoáng thì không khéo lại được khen vì ban phát nhiều. Đấy cũng thuộc về đạo đức, văn hóa.
Tôi cho rằng với Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì quy định quan trọng nhất phải là ràng buộc trách nhiệm và xử lý những người gây ra lãng phí. Nếu trách nhiệm không rõ ràng, biện pháp không đủ mạnh, chế tài không đủ nghiêm minh thì việc xử lý sẽ không đi đến đâu, kết quả sẽ không cao. Luật cũng phải điều chỉnh cụ thể đến đối tượng là cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chứ không nên chỉ nêu chung chung là cơ quan, đơn vị, tổ chức. Luật cũng cần phải nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, tác động đến nhận thức của mỗi người thì tình hình mới chuyển biến được.
(Trích phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi)
PHẠM QUANG NGHỊ
(Bí thư Thành ủy, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)