Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng quên, dịch vẫn còn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chung sống” an toàn với dịch Covid-19, nới lỏng nhưng không lơi lỏng trong phòng, chống dịch, đó là những thông điệp liên tục được các cấp, các ngành phát đi nhằm khuyến cáo người dân. Tuy nhiên, nhìn từ kỳ nghỉ lễ vừa qua có thể thấy, tâm lý chủ quan đã xuất hiện ở rất nhiều nơi, với rất nhiều người. Thậm chí không ít người dân đã “vô tư” lặp lại những thói quen như chưa từng có dịch xảy ra trên đất nước.

 Hàng nghìn du khách đổ về Sầm Sơn trong dịp 30/4. Ảnh: Vĩnh Quân.
Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua với hầu hết người dân niềm vui nhân lên niềm vui khi tình hình dịch ở nước ta đã “cơ bản đẩy lùi”. Bởi thế, nhiều người dân quyết định đi du lịch, nghỉ ngơi sau thời gian làm việc và giãn cách xã hội; các khu du lịch, hàng quán cũng từng bước trở lại hoạt động bình thường, đông vui và nhộn nhịp, các ngả đường lại tắc cứng. Rất mừng rằng, cơ bản công tác phòng tránh dịch bệnh vẫn khá được chú trọng. Như tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng, các lực lượng chức năng được tăng cường để hướng dẫn người dân, du khách đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang khi tham quan. Đồng thời, nhiều gia đình cũng tự phòng bằng cách không đi tập trung đông người, thực hiện nghiêm các khuyến cáo.
Nhưng bên cạnh xu hướng tích cực ấy, tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh cũng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Những bãi biển đông nghịt người, không đeo khẩu trang mặc kệ tiếng loa của lực lượng chức năng nhắc nhở; nhiều quán ăn đông khách, nhưng chưa có biện pháp giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo của cơ quan y tế… Rồi tình trạng người dân vẫn vô tư tập thể dục đông người và không đeo khẩu trang. Các quán cafe đông nghịt người với từng nhóm, từng nhóm ngồi sát cạnh nhau và có vẻ phần lớn họ đã quên dịch bệnh vẫn đang hiện diện…
Mặc dù các lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở, nhưng cũng không thấm đến đâu, nên khi vắng bóng lực lượng chức năng lại tái diễn vi phạm như cũ. Tình trạng này không khỏi dấy lên những lo ngại, bởi khi mọi người không còn tâm lý e dè dịch, sẽ tăng tiếp xúc xã hội và tự thấy không cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, cũng sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh. Bởi nước ta vẫn đối diện hai nguy cơ dịch Covid-19 đó là các chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài và các ca ngoài cộng đồng có thể chưa được phát hiện do không có triệu trứng hoặc triệu trứng nhẹ.
Do vậy, như khuyến cáo của các chuyên gia, dù giảm dần giãn cách xã hội, đưa nhịp sống ổn định trở lại để phục hồi kinh tế là cần thiết, nhưng người dân cũng không nên chủ quan, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào. Bài học nhãn tiền vẫn được nhắc đến trong những ngày qua chính là tình trạng của Singapore. Những ngày cuối tháng 3, Singapore là mẫu hình về chống dịch Covid-19, song bước sang những tuần đầu tháng 4, do để lọt các F0 mà giờ đây quốc gia này cùng với Indonesia là hai tâm dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhìn lại mấy tháng dịch bệnh vừa qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt là vì không chủ quan, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", khoanh vùng, cách ly, dập dịch quyết liệt, "chống dịch như chống giặc". Thời điểm coi thường nhất, chủ quan nhất, là lúc dịch có nguy cơ bùng phát nhất. Vì vậy, hy vọng rằng, bất kỳ ai cũng cần tỉnh táo, vui thôi, đừng vui quá và đặc biệt, không bao giờ được quên các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2m với người khác… Càng nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch ấy. Chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước, vì dịch vẫn còn.