Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng thái quá!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện có những bậc cha mẹ luôn bắt con học ngày học đêm và hầu như chẳng bao giờ thỏa mãn với thành tích của trẻ.

 Và khi quá kỳ vọng ở con trẻ, cha mẹ có thể quên mất khả năng thực sự của trẻ và vô tình "đeo ách" cho con. Còn trẻ, khi không vượt qua được áp lực, dễ nảy sinh tư tưởng tiêu cực trong việc xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống. Nếu ở một mức độ nhẹ hơn, sự dồn ép, hối thúc khiến trẻ sợ, trở nên nhút nhát, thiếu tự tin. Tai hại hơn, những biểu hiện này có thể ảnh hưởng đến trẻ khi đã trưởng thành, biến trẻ thành những người rụt rè, dễ cô lập hoặc trầm uất... 

Thực tế bố mẹ mong đợi con học hành giỏi giang, thành tài là điều rất chính đáng. Tuy nhiên, các nhà tâm lý cho rằng, nếu chỉ biết thúc ép trẻ thái quá, sẽ trở thành hành động ép con học quá đà,... và tác động tiêu cực đến trẻ, cũng đồng nghĩa với việc không tạo cho con kỹ năng tự nhìn nhận bản thân, làm mọi việc một cách thụ động chỉ vì đó là điều cha mẹ muốn. Bởi thông thường, những trẻ này đã có sự tự cố gắng, luôn muốn đạt kết quả tốt, nếu bị bố mẹ gây sức ép, sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí quay ra chống đối. Nếu cha mẹ cứ tạo ra cho con những áp lực ngày càng cao hơn và tồn tại trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tạo ra những trở ngại về tâm lý cho con, hụt hẫng cá nhân, stress kéo dài. Hơn thế nữa, có những gia đình mà cả cha mẹ và con đều bị stress vì việc học của trẻ. 

Để con cái trưởng thành, thành đạt, không phải đặt lên vai con quá nhiều kỳ vọng mà phải giúp con học cách tự đưa ra các quyết định, suy nghĩ cho bản thân và có trách nhiệm với các hành động của mình. Chấp nhận và động viên con trên nền tảng những gì chúng đang có, giúp con khôn lớn, trưởng thành theo sự phát triển riêng mới là điều mà các bậc cha mẹ cần, đó là điều các chuyên gia giáo dục và tâm lý khuyên. Để trẻ học tập tốt, sự quan tâm, khuyến khích của bố mẹ sẽ có tác dụng hơn hẳn những thúc ép hay thể hiện sự kỳ vọng thái quá. Điều quan trọng là chúng ta cần tạo môi trường để cho trẻ phát triển, ngoài việc học, trẻ cần có thời gian để vui chơi và phát triển nhân cách. Trẻ có thành công và hạnh phúc trong tương lai hay không phụ thuộc nhiều vào chỉ số cảm xúc hơn là chỉ số thông minh.