Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 70 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (tỉnh Nghệ An) nêu sự việc hiện nay trên mạng xã hội có những thông tin không chính xác, thông tin bôi nhọ lãnh đạo còn nhiều, Bộ trường có giải pháp nào để kiểm soát chặt chẽ trên mạng xã hội?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) nêu vấn đề về việc xây dựng Chính phủ điện tử và dịch vụ công. Theo đại biểu, bên cạnh những mặt đã làm được thì lĩnh vực này còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Trước tình trạng chậm trễ đó, trách nhiệm Bộ trưởng tới đâu và giải pháp nào đủ mạnh?
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) dẫn lại báo cáo của Bộ Thông tin Truyền thông là hiện có 363 trang mạng xã hội trong nước, tuy nhiên người dân chủ yếu dùng hai mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới là Facebook và Youtube. Có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn át thông tin chính thống? Đại biểu Nông Văn Tình chất vấn về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan?
Đại biểu Nguyên Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn về việc chấn chỉnh tình trạng một số phóng viên vi phạm pháp luật, hù dọa tống tiền gây bức xúc trong xã hội. Đại biểu Tuấn cũng đặt vấn đề các trang có tên miền đăng ký từ nước ngoài đưa nhiều thông tin sai sự thật, tin giả mạo, xúc phạm danh dự nhân phẩm tổ chức cá nhân, xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn?
Ngoài ra, các đại biểu cũng chất vấn về giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, gây nguy hại trên mạng internet; cách phân loại thông tin độc hại để quản lý, tránh ngăn chặn thông tin phản biện; giải pháp đột phá để kiểm soát thông tin mạng (đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, nói xấu cá nhân, tổ chức);...
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) |
Có thời điểm hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý
Trả lời đại biểu về tình trạng sai phạm của báo chí vừa qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ thường xuyên cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện các công việc cần thiết về quản lý, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật báo chí, đặc biệt là quy định liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí.
Trong năm 2016, Bộ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với gần 150 trường hợp sai phạm, là năm xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Có thời điểm trong một tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật, ví dụ như vụ nước mắm nhiễm asen có tới 50 cơ quan báo chí bị xử lý; sai sự thật cháu bé tự tử ở Gia Lai có 12 cơ quan báo chí bị xử lý...
Trong các cuộc họp giao ban với cơ quan báo chí hằng tuần, cơ quan quản lý thường xuyên nhắc nhở các cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định pháp luật về nội dung thông tin, bảo đảm thông tin khách quan kịp thời.
Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường quản lý, ra soát lại tôn chỉ mục đích của cá cơ quan báo chí; rào soát việc cấp thẻ nhà báo; kiên quyết xử lý việc cấp các loại thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo...
Trả lời câu hỏi giải pháp ngăn chặn thông tin mạng xã hội nói xấu lãnh đạo, Bộ trưởng cho biết, trước hết mạng xã hội có nhiều lợi ích về kiến thức, thông tin... Tuy nhiên, tác hại do mạng xã hội không phải là nhỏ, đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực... ngày càng nhiều.
Bộ tưởng nêu: "Có người nói rằng mạng xã hội phát triển vậy, có nên sử dụng nữa không? - Ở đây phải nhìn nhận rõ, mạng xã hội là công cụ, phương tiện cho người dùng, vấn đề là ý thức, còn trách nhiệm của người sử dụng như thế nào", Bộ trưởng chia sẻ.
Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với mạng xã hội nước ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam, tăng cường hoạt động mạng xã hội trong nước; đấy mạnh thông tin trên báo chí. "Dùng thông tin tích cực trên báo chí để đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt, định hướng thông tin trên mạng xã hội", Bộ trưởng nói.
"Chê thì phải cho xứng đáng, đích đáng"
Trả lời Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (tỉnh Ninh Bình) về tình trạng phóng viên vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, theo quy định của luật báo chí hiện hành, việc thành lập văn phòng đại diện của các báo do các địa phương cấp phép. Một tờ báo không có phóng viên thường trú sẽ không có tin bài hay, nhanh nhạy về địa phương đó.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn |
Nhiều phóng viên thường trú đã làm cho tờ báo có giá trị hơn. Vai trò của phóng viên thường trú rất lớn, hầu hết họ là người địa phương, gắn bó chặt chẽ với địa phương, nên nhiều người công tâm, có nhiều bài viết sâu sắc, phản ánh mọi mặt đời sống của địa phương.
Bộ trưởng bày tỏ: "Tôi không đồng tình với việc phóng viên thường trú cứ phải khen địa phương. Nhưng cũng cần phải chê, chê cho xứng đáng, đích đáng, để góp phần giúp địa phương khắc phục yếu kém".
Việc phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù dọa doanh nghiệp, Bộ cũng đã kiên quyết, xử phạt vi phạm hành chính, đình bản hoạt động, xử lý phóng viên thường trú, nhưng cảm giác như gần đây tình trạng này không giảm vì lựa chọn đầu vào không đủ tiêu chuẩn, thậm chí có những tờ báo sử dụng những phóng viên bị kỷ luật ở địa phương, những người đó luôn tìm những kẽ hở ở địa phương để viết.
Còn có những phóng viên thường trú hù dọa doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo, cái này có trách nhiệm của địa phương khi cho thành lập văn phòng đại diện cần phải xem xét.
Bộ trưởng cho biết, Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo và các cơ quan liên quan thanh tra, đề ra các giải pháp, trong đó có giải pháp là ngay chính bản thân cơ quan báo chí phải cử đúng người, đúng phóng viên có năng lực, phẩm chất.