Để rộng đường dư luận, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT xung quanh vấn đề này.
Cầu bộ hành tại đường Nguyễn Chí Thanh tiếp tục đưa vào sử dụng cách vị trí cũ 100m.Ảnh: Đức Giang
Thưa ông, có chuyện phá bỏ hoàn toàn 2 cầu bộ hành khi xây dựng cầu vượt tại nút Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã và Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt không?
- Hoàn toàn không có chuyện phá bỏ 2 cầu bộ khi xây dựng cầu vượt tại 2 nút giao thông nêu trên. Thực tế, khi xây dựng cầu vượt do 2 cầu đi bộ nằm trong phạm vi dự án nên phải di chuyển. Cụ thể cầu bộ hành gần nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã sẽ được di chuyển thêm 100m. Còn cầu bộ hành ở nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt sẽ được tháo và lắp đặt lại trên đường Giải Phóng. Tất cả các hạng mục của cầu bộ hành cũ đều được sử dụng lại chỉ có phần móng cầu cũ phải bỏ lại do không sử dụng được.
Có ý kiến cho rằng việc nghiên cứu xây dựng cầu vượt tại 2 nút không kỹ, bởi chỉ cần thay đổi hướng tuyến của cầu sẽ không phải phá dỡ 2 cầu bộ hành, ông đánh giá ra sao về nhận định này?
- Để xây dựng 2 cầu vượt, Sở GTVT đã mất hơn một năm nghiên cứu có lấy ý kiến rộng rãi của nhiều chuyên gia, nhà khoa học sau đó mới đi đến thống nhất xây dựng cầu theo hướng tuyến hiện nay. Theo tính toán của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), cầu vượt nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh được xây dựng vượt đường Kim Mã theo hướng từ phố Nguyễn Chí Thanh đến Liễu Giai. Bởi theo quy hoạch cho thấy nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh rất phức tạp, do có giao cắt với tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội chạy trên cao đường Kim Mã và tuyến đường sắt đô thị số 5 Tây Hồ Tây sẽ đi ngầm qua nút. Do đó, chỉ còn một phương án duy nhất là xây dựng cầu vượt có hướng tuyến từ Nguyễn Chí Thanh đến Liễu Giai.
Tại cầu vượt Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt phải lựa chọn phương án xây cầu theo hướng Trần Khát Chân vượt qua đường Bạch Mai - Phố Huế sang đường Đại Cồ Việt do có mặt cắt đường rộng nên đủ điều kiện xây dựng cầu vượt cho xe tải trọng lớn đi qua. Bởi nếu chọn cầu vượt xây theo hướng tuyến Bạch Mai - Phố Huế thì mặt cắt đường cả phố Bạch Mai và Phố Huế đều hẹp không đủ đất để xây cầu.
Liệu có lãng phí không khi cầu bộ hành được đầu tư hàng chục tỷ đồng và mới chỉ sử dụng vài năm đã phải di chuyển vì vướng cầu vượt?
- Thực tế cầu bộ hành được thiết kế không phải có tính chất vĩnh cửu mà chỉ phù hợp với từng giai đoạn nhất định. Bởi cầu bộ hành được xây dựng theo quá trình phát triển của đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trở lại việc 2 cầu bộ hành phải di chuyển, khi các cầu vượt hoàn thành thì 2 cầu này không còn phát huy tác dụng. Bởi khi đó lưu lượng phương tiện vào nút sẽ không còn đông như trước do rất nhiều phương tiện đã đi lên cầu và người đi bộ có thể thoải mái qua đường được bố trí tại gầm cầu vượt.
Bất kỳ một dự án giao thông nào khi triển khai cũng có gói thầu di chuyển công trình ngầm, nổi với khoản kinh phí nhất định. Do đó, việc di chuyển 2 cầu bộ hành sang vị trí mới cũng sẽ mất khoản chi phí nhất định (kinh phí di chuyển, làm móng cầu mới) nhưng không thể gọi là lãng phí. Bởi việc xây dựng 2 cầu vượt tại nút Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã và Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt là thực hiện theo Nghị quyết 17/2012/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về chương trình mục tiêu giảm thiểu UTGT trên địa bàn TP giai đoạn 2012 - 2015. Khi 2 cầu vượt này hoàn thành sẽ tiết kiệm chi phí xã hội hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bởi người dân đi lại thuận tiện hơn từ đó rút ngắn được thời gian đi lại, giảm xăng xe; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; TNGT giảm… Dẫn chứng về sự thành công này có thể thấy rõ qua việc hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 cầu vượt nhẹ trong năm 2012.
Ông có thể cho biết thêm 2 cầu vượt đến bao giờ được hoàn thành và đưa vào sử dụng?
- Theo kế hoạch được TP đặt ra cầu vượt tại nút Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào ngày 10/10/2013 và cầu Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt hoàn thành vào 2/9/2013. Tuy nhiên, với tốc độ thi công như hiện nay, Sở GTVT đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ 2 cầu để có thể về đích sớm hơn kế hoạch nhằm giảm UTGT cho Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!