Những vết thương thể xác có thể sẽ sớm lành, nhưng vết thương lòng sẽ mãi mãi ám ảnh em suốt cuộc đời. Sự tàn ác dành cho trẻ em từ chính những người làm giáo dục dường như làm cạn kiệt mọi sự chịu đựng của dư luận xã hội. Đây không phải lần đầu, những tình huống tương tự đã xảy ra khá nhiều trước đó. Như câu chuyện giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng tại Hải Phòng, hay mới đây, giáo viên mầm non cho cả lớp đánh hội đồng một học sinh tại Ninh Bình, rồi thầy giáo đánh học sinh gãy mũi… không phải chuyện hiếm. Mỗi khi xảy ra chuyện, người đứng đầu nhà trường, địa phương và Bộ GD&ĐT đều nói “quá đau lòng”, và hứa hẹn sẽ nghiêm trị, loại bỏ “con sâu làm rầu nồi canh”. Vậy mà vụ này chưa lắng xuống, dư luận lại dậy sóng vụ kia, chưa biết đến bao giờ vấn nạn này mới kết thúc.
Nhiều ý kiến cho rằng, những áp lực thi đua, thành tích đã khiến ngành giáo dục bớt đi tính nhân văn. Ở đâu đó, có tình trạng giáo viên, nhà trường mải miết chạy theo thành tích mà thờ ơ, vô cảm với chính học trò của mình. Học sinh đâu chỉ cần học kiến thức trong sách vở, mà còn cần học làm người, cần được bồi đắp tình cảm thiêng liêng, cao quý, cần sự sẻ chia của gia đình, nhà trường, thầy cô giáo. Câu chuyện 231 cái tát dành cho học sinh tại Quảng Bình theo lời trần tình của cô chủ nhiệm là do cô chịu áp lực quá lớn từ nhà trường, vì lớp cô yếu nên phải làm nghiêm. Khi sự việc bị phanh phui, vì thành tích trường sắp được công nhận danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ II, nên cô hiệu trưởng “van xin báo chí” không đưa tin vì sợ bao công sức phấn đấu của trường đổ sông, đổ biển. Thay vì quan tâm đến nỗi đau của học sinh, xin lỗi học sinh, giúp cô giáo nhận ra lỗi sai... thì người đứng đầu một ngôi trường chỉ bận tâm một lý do duy nhất: Thành tích của trường! Có thể nhiều thầy cô khác trong ngôi trường này cũng như nhiều ngôi trường khác trên khắp cả nước đều hướng về thành tích của trường mà quên đi nhân vật chính của mình đó chính là học sinh. Một chuyên gia giáo dục cho rằng, xu hướng chạy theo thành tích là một hiện tượng làm tê liệt cả thầy lẫn trò. Nhưng dù áp lực đến mức nào, việc đưa học sinh ra trừng phạt bằng những hành động phi giáo dục như chửi bới, đánh đập là điều không thể chấp nhận. Sau vụ việc cô giáo tát học sinh ở Quảng Bình, liệu có còn bao nhiêu vụ việc tương tự?Nhà trường, nơi được xem là môi trường gắn bó và thân thiện với học sinh chỉ sau gia đình nhưng những câu chuyện bạo lực học đường xảy ra liên tiếp khiến phụ huynh bất an, dư luận lo ngại. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh vẫn đang là điều mơ ước của ngành giáo dục nước nhà.