Đó là TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra bổ sung vụ án lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội làm 4 người chết.
Đây là vụ án đã trải qua 8 lần sơ thẩm, 4 phiên phúc thẩm. Đầu tháng 11/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên trong phiên phúc thẩm đã tuyên 6 năm tù cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) và 9 năm tù với tài xế Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Inova). Dù bản án có hiệu lực, xong vụ việc vẫn gây nhiều tranh cãi, thậm chí còn được đề cập tới tại diễn đàn Quốc hội, dẫn đến việc TAND Cấp cao có quyết định nói trên. Chắc chắn với quyết định này, những câu hỏi đặt ra xung quanh vụ việc cũng như công tác xét xử của tòa án các cấp sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định là nếu tài xế Ngô Văn Sơn lái xe Inova không có hành vi phạm luật điều khiển xe lùi ngược chiều trên đường cao tốc thì đã không có vụ tai nạn vô cùng thương tâm này. Thực tế được phân tích cho thấy, có 4 yếu tố cơ bản liên quan đến một vụ tai nạn giao thông (TNGT). Đó là người điều khiển phương tiện, phương tiện, đường sá và tình trạng giao thông. Trong đó, nguyên nhân các vụ TNGT phần nhiều là do lỗi của người điều khiển mà rõ nhất là không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của luật lệ về ATGT. Đây là nguyên nhân đã được nhận diện từ lâu, đã bị lên án và xử lý xong vẫn cứ tiếp diễn với nhiều hình thức. Nói vậy bởi trong thực tế giao thông hàng ngày, không khó để nhận thấy những hành vi vi phạm quy định về ATGT. Nghiêm trọng thì cả đoàn xe đưa dâu với gần 30 chiếc ô tô các loại đã “hồn nhiên” dừng đỗ giữa đường cao tốc để chụp ảnh, hay một chiếc xe kéo container đi ngược chiều. Nhẹ hơn thì là chuyện xe máy leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ ở các nút giao thông. Rồi chuyện người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu… Tất cả những hành vi nêu trên ít nhiều đều đã là nguyên nhân dẫn đến TNGT với những hậu quả đáng tiếc. Trước thực tế “đa dạng” của các hành vi vi phạm luật lệ giao thông như vậy, liệu có ai nói một cách chắc chắn rằng trong suốt quá trình tham gia giao thông, mình chưa trực tiếp hoặc gián tiếp có hành vi vi phạm. Có thể dẫn ra rất nhiều sự việc mà mỗi chúng ta vô tình vi phạm hoặc tiếp tay cho các hành vi phạm luật: Hành khách không có phản ứng quyết liệt khi người lái xe có biểu hiện say rượu trong khi làm nhiệm vụ; Một vị lãnh đạo không chấn chỉnh kịp thời khi tài xế chiếc xe biển xanh phục vụ mình vi phạm quy định về tốc độ… Phải chăng sự “vô tình” ấy đã dung túng, dần dà dẫn đến tâm lý xem thường mọi quy định của luật pháp mà có những hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn? Ai dám chắc là một người vượt đèn đỏ một lần, sẽ không có lần vượt thứ hai?… Rõ ràng vì nhiều lý do, mỗi người đã trực tiếp hoặc gián tiếp dung túng, thậm chí tham gia những hành vi vi phạm luật giao thông! Phổ biến nhất là việc các bậc phụ huynh chở con em mình bằng xe máy mà không cho các cháu đội mũ bảo hiểm. Hành vi vi phạm dễ được bỏ qua ấy phải chăng đã góp phần vào con số đau lòng là trong số 6.674 người chết và 11.549 người bị thương trong 10 tháng qua được nhớ tới trong lễ tưởng niệm các nạn nhân TNGT hôm 19/11 vừa qua tại Hải Dương có 962 trẻ em! Đau xót như vậy, nhưng mấy ai đã nhận thức được sự nghiêm trọng của nó! Trở lại vụ việc lái xe Inova cho xe lùi ngược chiều trên đường cao tốc. Thực tế cho thấy, TAND Cấp cao tại Hà Nội có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm cũng là thực hiện ý nguyện của đông đảo người dân. Qua đấy cho thấy, lên án, yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm luật giao thông một cách nghiêm trọng như phóng nhanh vượt ẩu, đi vào đường ngược chiều, điều khiển phương tiện khi nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép… gây tai nạn là việc mà mỗi chúng ta đều dễ nhận biết và thực hiện. Tuy nhiên, có việc khác cũng cần phải có sự tham gia của mỗi người. Đó là tự nhìn lại mình, tránh những hành vi vô tình vi phạm hoặc tiếp tay cho những hành vi vi phạm như nêu trên là việc cần thiết, dù không phải dễ nhận biết. Xem ra, làm được như vậy, cũng là mỗi chúng ta đã góp thêm phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tai nạn giao thông. Đó cũng là để thực hiện lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân TNGT năm 2018 mới đây: Mỗi người dân tuyệt đối chấp hành luật giao thông; luôn nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông; mỗi người lớn phải là tấm gương về văn hóa giao thông và có nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, để những tai nạn thương tâm không còn xảy ra, để mỗi ngày khi đi trên đường không còn nỗi lo sợ, phấp phỏng vì TNGT.