Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, chủ đầu tư công trình, phải phối hợp với các Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra lại tổng mức đầu tư, dự toán chi phí từng hạng mục theo đúng định mức. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu phân tích cụ thể các khoản phát sinh làm "đội giá" tổng vốn đầu tư công trình như: trượt giá vật tư, tăng khối lượng, thay đổi vật liệu đá tượng chính và 8 trụ huyền thoại; bổ sung các hạng mục bị cắt bỏ trước đây; thay đổi kết cấu móng và khung tượng đài chính; công tác đền bù giải phóng mặt bằng... Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu lựa chọn các hạng mục chính cần triển khai, giãn tiến độ hoặc ngừng các hạng mục chưa cần thiết, phân kỳ đầu tư đối với các hạng mục còn lại, tính toán kỹ tổng mức đầu tư cho phù hợp. Trước mắt Quảng Nam tạm dừng dự án, bàn giao công trình cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 26/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: "Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn trung ương hiện chỉ tập trung cho các công trình thực sự cấp bách, mang lại hiệu quả kinh tế. Ở thời điểm hiện nay không có vốn để bố trí cho công trình tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng từ trung ương". Ban đầu tỉnh Quảng Nam dự định chỉ xây cụm tượng đài quy mô cấp tỉnh, sau điều chỉnh vốn từ 55 tỷ lên đến 81 tỷ đồng. Trong đó, trung ương cấp 50 tỷ đồng, tỉnh chi 20 tỷ đồng và nguồn đóng góp từ các đoàn thể, tổ chức xã hội là 11 tỷ đồng. Tháng 11/2007 xét thấy tượng đài mang ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng tri ân mẹ Việt Nam anh hùng, Thủ tướng đồng ý đưa vào danh sách công trình văn hóa cấp quốc gia và yêu cầu tỉnh Quảng Nam tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với quy mô. Trở thành công trình văn hóa cấp quốc gia, tượng đài tượng trưng cho 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, đáp ứng 3 yêu cầu là giá trị nghệ thuật cao, bền vững vĩnh cửu và hoành tráng. Đầu năm 2008, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Quảng Nam tính toán lại tổng mức đầu tư để phù hợp với quy mô mới. Sau đó các bộ thẩm định dự án, Quảng Nam đã điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư lên 411,2 tỷ đồng. Hiện cả nước có hơn 44.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Hầu hết các mẹ tuổi đã cao, sức yếu, nhiều mẹ cuộc sống còn khó khăn, neo đơn lúc tuổi già. Do đó nhiều người, trong đó có nhiều mẹ Việt Nam anh hùng còn sống cho rằng dành hơn 410 tỷ đồng để xây tượng đài là quá lãng phí, mà nên dùng số tiền này chăm sóc mẹ còn sống, tiếp sức cho trẻ mồ côi, gia đình nghèo khó đến trường... Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Quảng Nam xứng đáng có công trình văn hóa lịch sử, bên cạnh các di sản như Hội An. Tuy nhiên, cũng có quan điểm là việc xây tượng đài hoành tráng không phù hợp với tư duy thẩm mỹ, điều kiện khí hậu Việt Nam và quá lãng phí trong điều kiện kinh tế khó khăn. Đến cuối tháng 9, trong hơn 28.000 ý kiến của bạn đọc xung quanh việc xây dựng tượng đài kinh phí khổng lồ, có 52,6% bày tỏ không nên làm tượng đài nên dùng tiền làm việc khác, 40,6% cho rằng làm với quy mô vừa phải thì hay hơn. Chỉ 5,3% ý kiến ủng hộ làm tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng...