Đặc biệt, các loại rau quả đã trở thành "thương hiệu" như ổi Đông Dư, chuối Cổ Bi, rau Văn Đức… luôn có đầu ra ổn định, đem lại thu nhập cao cho người dân. Ông Trần Xuân Điệu, Phó Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, năm 2012, tổng diện tích gieo trồng rau màu, cây ăn quả của huyện đạt 2.070ha, năng suất đạt 191,71 tạ/ha, tăng 24,46 tạ/ha.
Địa phương đã tranh thủ phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cho bà con nông dân.
Những năm gần đây, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai việc giám sát tại các vùng sản xuất rau trên địa bàn huyện; triển khai mô hình chuỗi ATTP tại vùng rau Văn Đức. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 6 điểm chuyên canh sản xuất rau an toàn với tổng diện tích hơn 392ha, đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, trong đó xã Văn Đức có 250ha, Đặng Xá 90ha, Lệ Chi 17,6ha…
Tại mỗi điểm, Chi Cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đều có cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc nông dân thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, ở nhiều xã, hạ tầng giao thông nội đồng phục vụ việc vận chuyển hàng hóa vẫn còn khó khăn.
Điển hình như vùng rau an toàn Văn Đức đã được đầu tư 7 tuyến đường, song hiện vẫn còn 17/22km giao thông nội đồng là đường đất, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Mối quan tâm lớn nhất đối với người dân ở các xã như Cổ Bi, Văn Đức… là mong muốn được TP, huyện Gia Lâm quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng như: Đường điện, đường giao thông, hệ thống tưới tiêu để tiếp tục chuyển các diện tích cây trồng kém hiệu quả còn lại sang trồng chuối, rau an toàn, quả chất lượng cao để tăng thu nhập, làm giàu từ nghề nông.