Được nới hạn mức tín dụng, cổ phiếu ngân hàng bớt tiêu cực

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý 3/2020 sẽ không tiêu cực như dự đoán, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân, gồm VPB, HDB, TPB, TCB khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới hạn mức tín dụng lên 20%.

Tăng điểm tích cực trong tháng 9

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt nam tăng mạnh trong tháng 8 và 9, phản ánh đúng với diễn biến của thị trường, với GDP cả nước tăng trưởng tích cực trong quý 3 là 2,12%, tốt hơn rất nhiều so với các thị trường khác như; Hà Quốc, Thái Lan, Mỹ.

Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích Rồng Việt, kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý 3/2020 sẽ không tiêu cực như dự đoán, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân, bao gồm: VPB, HDB, TPB, TCB khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới hạn mức tín dụng lên 20%.

Mới đây, NHNN đã công bố quyết định giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, theo chuyên gia, điều này sẽ không có tác động đáng kể đến thị trường cũng như hoạt động của các tổ chức, do một số ngân hàng đã giảm lãi suất trước khi có thông tin này. Chỉ số nhận biết thị trường (Vietnam CDS 5Y) có xu hướng đi lên trong thời gian gần đây cho thấy khả năng VN-Index điều chỉnh là khá cao khi 2 số liệu này thường có diễn biến trái ngược nhau trong quá khứ.
 Tăng trưởng xuất khẩu cùng nhiều tố khác giúp thị trường chứng khoán tăng điểm trong tháng 9.
Điểm tích cực cho thị trường nữa là tác động trực tiếp của EVFTA đến GDP và thương mại lớn hơn so với các hiệp định FTA khác, giúp cho Việt Nam đã xuất siêu trên 17 tỷ USD trong 9 tháng.

Kết quả, chỉ số VN-Index đã tăng 3% so với tháng trước, đứng phiên cuối tháng tại mức 905 điểm. Sàn HNX thậm chí còn có diễn biến tốt hơn, với mức tăng 6% so với tháng trước.

Về thanh khoản, trên sàn HOSE đạt 5.500 tỷ đồng bình quân trong mỗi phiên khớp lệnh, tăng 47% so với tháng 7 và tăng 28% so với tháng 8. Nhóm cổ phiếu VN30 chiếm 44% thanh khoản HOSE, tăng trưởng 24% so với tháng trước.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu nhỏ cũng gây chú ý trong tháng 9. Cụ thể, nhóm này tăng trưởng mạnh nhất 35% cả về thanh khoản và tăng 6,7% về giá so với tháng 8. Trong đó, các cổ phiếu tăng mạnh nhất là nhóm bất động sản như: PDR (+32%), DIG (+17%) và HPX (+17%). Ngoài ra còn có các mã ASM (+42%), HSG (+33%) và DCM (+27%). Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một tháng tích cực khi số mã tăng vẫn chiếm ưu thế so với số mã giảm.

Dự báo tháng 10 tiếp tục tăng, nhưng đầu tư thận trọng

Môi trường lãi suất thấp cùng với một loạt các tín hiệu vĩ mô bắt đầu chuyển sang gam màu tích cực hơn đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài chuỗi tăng điểm trong tháng 9. Bên cạnh đó, số ca lây lan trong cộng đồng đã nhanh chóng được dập tắt kể từ đầu tháng 9 cũng đã củng cố cho tâm lý nhà đầu tư. Sang tháng 10, NHNN tiếp tục giảm các lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi.

Động thái từ NHNN, giúp cho TTCK tăng thêm tính hấp dẫn. Bên cạnh chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài khóa cũng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý 4, cũng như tạo tâm lý tích cực hơn trên thị trường. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Lũy kế 9 tháng qua, giải ngân đầu tư công đạt 485 nghìn tỷ, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng lũy kế tích cực nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Những thông tin về kết quả kinh doanh quý 3/2020 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ dần được công bố và điều này sẽ chi phối diễn biến TTCK trong tháng 10. Dự báo, khi tín hiệu vĩ mô tích cực sẽ giúp các đơn vị kinh doanh có nhiều khả quan.
 Tăng đầu tư công là một trong những yếu tố hỗ trợ cho TTCK tháng 10.
Tuy nhiên, các nhóm cổ phiếu sẽ có những sự phân hóa. Kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 3/2020 của một số nhóm cổ phiếu như: Tôn mạ, phân bón, chứng khoán và ngân hàng…

Dự báo của Rồng Việt, những lợi ích mà EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam là đáng kể trong dài hạn. EVFTA sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ chốt và sẽ giúp cho cổ phiếu các ngành da giày, dệt may, nông nghiệp, thủy sản, gạo, rau quả, cà phê và đồ gỗ tăng giá.

Đồng thời với đó, hành động quyết đoán hơn từ chính phủ nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế như đẩy mạnh đầu tư công trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ước tính, đầu tư công trong 9 tháng qua của cả nước đạt 484,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công là 330 nghìn tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ. Với nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế, vào tháng 6 năm 2020, Quốc hội đã thông qua việc thay đổi hình thức tài trợ cho dự án đường cao tốc Bắc Nam từ hình thức đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công. Theo Bộ Giao thông Vận tải, 3 dự án với tổng vốn đầu tư 37.600 tỷ đồng đã được khởi công vào tuần trước. Như vậy, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn được coi là nhân tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những yếu tố kìm hãm thị trường, như: Rủi ro từ thị trường quốc tế với nhiều biến động trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11. Sự phục hồi chậm của khku vực kinh tế EU, dịch bệnh tiếp tục gia tăng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ, Ấn Độ, khu vực châu Âu dự báo sẽ giảm 8,3% vào năm 2020. Do đó, trong ngắn hạn tác động tích cực của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam có thể bị cản trở bởi đại dịch.

Đồng thời, phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh qua giao dịch khớp lệnh trong 4 tuần liên tiếp của tháng 9. Về mặt định giá, chỉ số VN-Index không quá hấp dẫn để thu hút dòng tiền.

Dù dự báo TTCK tháng 10 vẫn có cơ hội tăng, nhưng chuyên gia phân tich tại Rồng Việt cho rằng: Chiến lược đầu tư thận trọng là phù hợp trong giai đoạn này, bởi các yếu tố hỗ trợ và không hỗ trợ vẫn đan xen.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần