Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên: Thiết kế phải đảm bảo quy định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là chỉ đạo của GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - Phó chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sau khi nghe báo cáo về dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

KTĐT - Đó là chỉ đạo của GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - Phó chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sau khi nghe báo cáo về dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào ngày 24/11/2009. Đây là tuyến đường có vị trí quan trọng, không chỉ giảm tải cho QL3 hiện nay mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội giữa Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng như vùng Việt Bắc.

Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có chiều dài 61,3km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h nối liền 3 tỉnh, thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của Dự án là 8.104,4 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 6.093,1 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.011,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo của BQL DA 2 (đại diện chủ đầu tư), hiện dự án đang triển khai thi công đào đắp nền đường, thi công cống thoát nước. Trong đó, gói PK2 (đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên) có giá trị hợp đồng là 1.524 tỷ đồng do Liên danh TCty Xây dựng Công trình giao thông 8 - TCty Thăng Long - TCty Xây dựng Trường Sơn và TCty CP VINACONEX thi công đã bàn giao mặt bằng đạt 90%. Song do sự thay đổi quy định về giá đền bù theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP nên tổng kinh phí đã tăng lên khoảng gấp 2 lần so với trước đây. Năm 2010, BQLDA được cấp 524 tỷ cho việc đền bù GPMB nhưng hiện vẫn còn thiếu hơn 600 tỷ do chênh lệch giá đền bù theo quy định mới. Vì vậy, dù địa phương đã bàn giao 90% mặt bằng nhưng vẫn thiếu mặt bằng thi công do chưa có tiền trả cho người dân. Tuy nhiên tiến độ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Song khó khăn của dự án là do có sự chuyển giao chủ đầu tư; từ khi khảo sát thiết kế đến khi triển khai kéo dài, bước làm sơ bộ yếu nên phải thay đổi lại. Năm 2005, thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt. Nhưng đến năm 2007, Bộ GTVT đã ra quyết định điều chỉnh cho phù hợp như: Điều chỉnh vị trí nút giao; thay đổi một số cầu, cống; xử lý đất yếu tăng hơn gấp đôi... Hiện hồ sơ thiết kế đã được chủ đầu tư phê duyệt và triển khai thi công.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thiết kế kỹ thuật so với yêu cầu, quy định còn sơ sài, đều là thiết kế điển hình mà không có thiết kế cụ thể. Như việc tính toán nền đắp trên đất yếu tính chung chứ không cho từng vị trí; tư vấn khảo sát thiết kế không vẽ, thiết kế mặt cắt ngang... Cần phải có kiểm toán lún giữa các công trình với đường; kiểm toán năng lực thông hành và yếu tố giao nhanh của các nút để tránh ùn tắc ở các nút bằng số liệu cụ thể; rà soát lại các bản chỉ dẫn kỹ thuật... Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết: Ý kiến của các chuyên gia đưa ra đều rất xác đáng. BQL DA, tư vấn thiết kế sẽ có giải trình cụ thể từng vấn đề và hoàn chỉnh để đưa vào thiết kế thi công.

Sau khi nghe báo cáo của BQL DA 2, tư vấn thiết kế, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên đã yêu cầu tư vấn thiết kế cần phải thiết kế kỹ thuật đảm bảo đúng quy định, không thể làm thiếu rồi lại chuyển sang bản vẽ thi công. Do khảo sát chưa kỹ nên thiếu mặt cắt ngang, thiết kế chưa phù hợp với địa hình, địa chất khiến cho đất yếu phát sinh gấp đôi so với thực tế. Vấn đề này đã xảy ra ở tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai. Cần phải khảo sát kỹ lưỡng, phải làm chủ được, tránh lãng phí. Phải làm sao để thiết kế kỹ thuật đảm bảo chất lượng, tránh phát sinh. Ông Liên cũng yêu cầu tư vấn thiết kế phải có giải trình các vấn đề này với Hội đồng và chủ đầu tư.