Vì sao phải điều chỉnh? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Vì thời điểm lập chiến lược năm 2009, kinh tế-xã hội của đất nước lúc đó khác bây giờ, nhất là từ sau 2011 chúng ta thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu DNNN… thì chiến lược đó không còn phù hợp”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc lại: Năm 2009, khí thế vẫn “ầm ầm”, toàn những dự án lớn được đưa ra trình. Nhưng bắt đầu từ 2011, Nghị quyết 11 ra đời thì tái cơ cấu bắt đầu dừng hết, cho nên phải điều chỉnh.
Hiện nay, Bộ đã trình rồi, nên Chiến lược đó phải phù hợp chiến lược Giao thông vận tải cũng đã được Thủ tướng điều chỉnh năm 2012 và phù hợp với sự phát triển từng giai đoạn của đất nước và Cương lĩnh phát triển đất nước 2011 đến 2020. Trên cơ sở chiến lược Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt, Bộ sẽ phải xây dựng qui hoạch phát triển đường sắt để phê duyệt phù hợp qui hoạch đó thì mới xây dựng dự án cụ thể.
Cũng theo ông Đinh La Thăng, Dự án đường sắt Bắc Nam chỉ là một trong rất nhiều dự án đường sắt. Phải có những cái gốc xong đã thì mới làm những cái tiếp theo. Tuy nhiên, để đảm bảo thời gian thì tất cả các công việc phải làm đồng thời, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thì đã có sẵn qui hoạch chứ không phải từng bước, việc này xong rồi mới làm tiếp các việc khác. Như vậy thì không có thời gian để thực hiện đồng bộ.
Về ý kiến cho rằng, nên tiến hành xây dựng đường sắt Bắc Nam theo từng tuyến cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Đường sắt không giống đường bộ. Đường bộ có thể làm 1 km rồi đưa vào khai thác, nhưng đường sắt thì không thể làm 100km rồi đưa vào khai thác được mà phải làm đến mức độ nào mới khai thác. Cho nên phải tính toán cho phù hợp. Những tính toán này JAICA đã làm giúp mình, họ tài trợ toàn bộ kinh phí, đưa ra 1 nghiên cứu tổng thể về phát triển đường sắt, trong đó đi sâu vào đường sắt Bắc Nam. Nếu có tiền thì xây dựng luôn đường cao tốc Bắc Nam như đã trình Quốc hội. Chưa có tiền thì làm trước đoạn Vinh - Hà Nội, Nha Trang - TP HCM. Có tiền thì làm hai đường song song khổ mới 1.435, nếu chưa có tiền thì làm 1 đường trước để khai thác. Nhưng vấn đề ở chỗ là khai thác chung đường hành khách và hàng hóa hay chỉ khai thác hành khách không thôi. Vì có chuyện là tàu hàng hóa chậm hơn tàu khách, khi chạy trên cùng con đường thì sẽ rất phức tạp.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nêu quan điểm, với sự phát triển của Việt Nam thì đường sắt cao tốc là cần thiết, vì cả thế giới người ta dùng. Nhưng vấn đề ở đây là dùng vào lúc nào thì lại phải tính toán. Bộ đã trình phương án xây dựng đường sắt Bắc Nam với qui mô từ 160 đến dưới 200km/h, chạy chung tàu khách và tàu hàng. “Nếu công trình này hoàn thiện và vận hàng thì hành khách có thể sáng ăn phở ở Nam Ngư - Hà Nội, tối uống cà phê ở TP.HCM. Nhưng cũng phải tính toán sau này nâng cấp lên cao tốc và chạy chung khi kinh tế phát triển thì nâng cấp đường đôi đó thành đường cao tốc và đường sắt hiện tại để chuyên chở hàng hóa. Hướng là như vậy nhưng phụ thuộc vào chính phủ” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Chủ trương của Việt Nam là đi thẳng vào công nghệ hiện đại và an toàn chứ không phải vì tiền tôi chỉ có thế này thôi nên tôi trước mắt dùng hàng kém rồi khi có tiền tôi mới sử dụng đến công nghệ của Nhật, Mỹ…”.
Cũng về dự án xây dựng đường sắt Bắc Nam, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho biết: Ngay từ đầu kỳ họp này, tôi đã đề nghị trước Quốc hội, yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT phải đặt một quyết tâm chính trị với ngành đường sắt. Tức là, xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1.435m, tốc độ từ 150-200km/h. Bên cạnh đó, cũng phải tính toán làm từng đoạn, làm sao để đến năm 2025, sẽ hoàn thành nối thông giữa Hà Nội- Sài Gòn. Không thể làm lôm côm, cần phải có tính toán làm sao để sáng ngủ từ Hà Nội, tối đến được Sài Gòn", ông Lịch nói.
Trước đây, chính Đại biểu Trần Du Lịch phản ứng việc mở rộng nhiều sân bay, đường QL1A để đảm bảo nhu cầu đi lại, vừa tránh bị phân tán nguồn lực.
"Chúng ta đầu tư phải xác định rõ mục tiêu. Xóa bỏ ngay tư tưởng nông dân, liệu cơm gắp mắm. Đó chỉ là tư tưởng phù hợp với hàng tiêu dùng còn đầu tư là phải có quyết tâm lớn. Đầu tư mà liệu cơm gắp mắm chỉ dẫn tới quy hoạch tủn mủn như chúng ta hiện nay, không cái nào ra cái nào cả"- Đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn bác bỏ phương án làm thêm một tuyến đường sắt 1m nữa. “Bất kể phương án nào với tuyến đường sắt 1m hiện tại tôi cho cũng không nên đặt ra. Bởi tuyến đường sắt cũ đã được làm từ cách đây cả 100 năm, từ đầu thế kỷ trước, khổ rộng hẹp, không tăng tốc độ được, không đảm bảo an toàn, rung lắc rất nguy hiểm" - ông Trần Du Lịch nói.
Theo quan điểm của Đại biểu Trần Du Lịch, nếu cứ giữ nguyên tuyến đường sắt cũ, khổ 1m thì không hiểu sẽ đi đến hiện đại hóa kiểu gì. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới áp lực, gây quá tải với đường bộ, hàng không.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
|