Tại đây, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đều nhận định việc điều hành chính sách tiền tệ của hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 10/2012 đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm vẫn phải kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Lãi suất rục rịch vượt trần
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc một số ngân hàng đang rục rịch vượt trần lãi suất đã đặt ra câu hỏi, liệu NHNN có nên duy trì trần lãi suất nữa hay không? "Thực tế, NHNN đang quy định trần lãi suất nhưng các ngân hàng không thực hiện được và NHNN cũng không có biện pháp nào quản lý. Nếu tiếp tục áp trần lãi suất sẽ có một số ngân hàng vướng vào rủi ro pháp lý khi "lẳng lặng" phá trần lãi suất. Khi NHNN áp trần nhưng thanh tra, xử lý không nghiêm thì tính minh bạch, cũng như niềm tin vào hệ thống ngân hàng sẽ bị suy giảm" - ông Nghĩa nói.
Trước việc một số ngân hàng rục rịch vượt trần để huy động vốn, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc bỏ trần lãi suất.Ảnh: Trần Việt
Không chỉ vượt trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay cũng đang được nhiều ngân hàng lách một cách tinh vi. Ví dụ như chuyển vay tiền đồng sang USD hay EURO hoặc các ngoại tệ khác.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc yếu thanh khoản của một số ngân hàng là thực tế đang diễn ra. Bởi thế, việc áp dụng một giá vốn giống nhau cho tất cả các tổ chức tín dụng có quy mô và năng lực tài chính khác nhau cũng cần được tính toán lại. Và câu chuyện bỏ trần lãi suất lại được đề cập đến.
Theo TS Nguyễn Thị Mùi, trường Đào tạo cán bộ Vietinbank, có thời điểm trong vòng 2 tháng, NHNN đã 5 lần giảm trần lãi suất và tạo ra thời cơ để xem xét bỏ trần lãi suất, thay đổi tình thế. Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, NHNN đã có động thái mà theo đánh giá là "khôn ngoan": Bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài để tiến tới bỏ trần lãi suất huy động. "Nên tính toán để đầu năm sau xóa bỏ trần lãi suất, đưa lãi suất về đúng quy luật cạnh tranh của thị trường" - ông Nghĩa nói thêm.
Kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, một trong điểm mới của NHNN trong năm 2012 là chuyển điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu sang kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh sức ép mở rộng tín dụng và giảm lãi suất rất lớn hiện nay, bước chuyểntrong điều hành trên của NHNN được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao. "Những tháng đầu năm, lạm phát lõi chỉ khoảng 0,18% nhưng đã leo dần lên 0,85% và 1% gần đây, chứng tỏ lạm phát cao có nguy cơ quay trở lại. Do vậy, tiếp tục kiểm soát lạm phát là con đường duy nhất, chắc chắn không thể giảm thêm lãi suất" - TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm, nợ xấu đang trở thành vấn đề đáng quan ngại đối với nền kinh tế do dẫn đến tình trạng đóng băng tín dụng. Nếu không gỡ được tín dụng, không thể giảm được lãi suất, DN sẽ không tiếp cận được vốn ngân hàng. Bởi vậy, cần phải có phương án xử lý nhanh nợ xấu thay vì bàn thảo quá lâu.
Theo bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của NHNN, tín dụng của nền kinh tế đã tăng trở lại 3,3% so với cuối năm 2011, sau khi tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng tín dụng của nền kinh tế vẫn còn thấp, phản ánh khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề xử lý “cục máu đông” này không chỉ là trách nhiệm của NHNN mà là của toàn bộ nền kinh tế, thông qua các công ty xử lý nợ quốc gia.