Đó là một trong những đề xuất được Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến TP quý I/2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2017 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (30/3). Tại Hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 197 TP đã thông tin về kết quả triển khai, thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 TP về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn TP.Cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên trì, bài bảnBắt đầu ra quân đồng bộ từ 10/3, sau 20 ngày thực hiện, tình hình trật tự ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn, nhất là tại 12 quận nội thành đã chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, trông giữ phương tiện giảm rõ rệt; việc sắp xếp phương tiện cơ bản đúng quy định; các cửa hàng không còn bày hàng hóa ra hè phố, lòng đường. Lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục…
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Anninhthudo.vn |
Từ 10/3-20/3, trên toàn TP phá dỡ 2.657 bục bệ, cầu dẫn, cầu dắt xe; tháo dỡ 5.090 mái che, mái vẩy… chiếm dụng hè phố, lòng đường; thu giữ 1.425 biển quảng cáo, biển hiệu, 1.288 bộ bàn ghế... Lực lượng Cảnh sát trật tự-Phản ứng nhanh đã kiểm tra, xử lý 2.140 trường hợp vi phạm hành chính, phạt thành tiền hơn 734 triệu đồng; cảnh sát giao thông xử lý 11.706 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, tạm giữ 349 phương tiện, 3.975 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe với 698 trường hợp.Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nhận định: Kết quả đó có được một phần nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, BCĐ 197 TP, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các giải pháp được thực hiện bài bản, phù hợp thực tế và nhất là được đại đa số người dân ủng hộ. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa bền vững, còn nhiều điểm phức tạp. Một số đơn vị thực hiện chưa đúng chủ trương của TP, một số việc thực hiện cứng nhắc, thiếu trách nhiệm, gây phản ứng trong xã hội. Chẳng hạn trong phá dỡ bậc tam cấp, một số đơn vị không căn cứ vào lịch sử tồn tại điểm vi phạm, thực tế địa bàn, phá dỡ không thông báo trước để Nhân dân chuẩn bị hoặc tự tháo dỡ... Hay tại các xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất), Đức Thượng (huyện Hoài Đức) đã cứng nhắc trong giải quyết hành lang hè phố, chặt bỏ hết cây xanh bên đường…“Một số địa phương mới tập trung tuyên truyền, đẩy đuổi, phá dỡ mà chưa nghiên cứu bố trí sắp xếp cho Nhân dân về nơi để phương tiện, sắp xếp chợ… Tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán, trông giữ mặc dù giảm rõ rệt, nhưng vào giờ cao điểm (6h30 - 8h, 11h30 - 13h, 17h - 20h), các hàng ăn, uống chiếm dụng hè phố vẫn nhiều, nhất là việc kiểm tra, xử lý hàng quán kinh doanh sau 24h chưa quyết liệt…”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nhận định.
Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, một nguyên nhân quan trọng là một số đơn vị chưa làm tốt điều tra cơ bản, còn nóng vội, chuẩn bị thiếu bài bản, dẫn đến các bước chưa đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Trong khi, nhiều người dân chưa nhận thức rõ chủ trương của TP, thậm chí, vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm.Định hướng nghề nghiệp cho người dân đang kinh doanh trên hèTừ kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục, trong thời gian tới, Giám đốc Công an TP đề nghị các đơn vị quán triệt thực hiện nghiêm Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP và chủ trương của UBND TP; không để xảy ra sai phạm gây phản cảm, phản tác dụng. Cần thực hiện đúng quy trình, nhất là công tác tuyên truyền, nhắc nhở, vận động phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. BCĐ 197 các quận, huyện cũng cần căn cứ thực tế, tính chất, đặc điểm địa bàn để nghiên cứu có cách làm phù hợp, không cứng nhắc, nhất là liên quan đến việc phá dỡ bục bệ, bậc tam cấp, kẻ vạch sơn...Đối với công tác đảm bảo trật tự đô thị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương kiến nghị UBND TP chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, đơn vị, sở, ngành phải đi đầu nghiêm túc thực hiện công tác đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị; phải bố trí cán bộ, nhân viên điều hành nhắc nhở, điều hành xếp xe ra vào cổng cơ quan, tránh tình trạng đỗ xe sai quy định. Đối với các quận, huyện, thị xã, cần rà soát trên địa bàn có những địa điểm phù hợp để bố sắp xếp phương tiện, sắp xếp các chợ để đảm bảo đời sống Nhân dân; tăng cường lực lượng tự quản để hỗ trợ Công an đủ lực lượng duy trì lâu dài.Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP xem xét giao Sở GTVT phối hợp Công an TP và UBND quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí các điểm trông giữ phương tiện hợp lý, đảm bảo trật tự công cộng, đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm và kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh với các điểm vi phạm chây ỳ, tái phạm nhiều lần.
Đặc biệt, để vỉa hè được phong quang lâu dài, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương đề xuất TP chỉ đạo các ban, ngành liên quan nghiên cứu tổ chức khu vực riêng cho bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố để kinh doanh. Đồng thời, để đảm bảo trật tự ATGT, UBND TP cũng cần chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Công an TP đề xuất, xem xét bố trí các điểm trông, giữ ô tô (có thu phí) theo hàng dọc trên lòng đường (sát mép hè) trên các tuyến phố đủ điều kiện.