Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Duy trì mặt bằng lãi suất trong năm 2017: Sẽ khó khăn hơn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù lạm phát đang lên, nhu cầu tín dụng tăng, song đến thời điểm này có thể nói chắc chắn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ ổn định lãi suất. Liệu xu hướng này có kéo sang đầu năm 2017?

Không tăng lãi suất dịp cuối năm

Theo số liệu của NHNN, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang tăng nhanh. So với thời điểm cách đây hơn một tháng lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm và một tuần đã tăng gấp 5 lần. Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa so với giai đoạn trước, một phần do các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, một phần do lượng tiền gửi được rút ra để kinh doanh hoặc đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm. Hiện, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng lên gần 5% trong bối cảnh nhu cầu vay mượn của các ngân hàng tăng lên, trong khi NHNN cũng đang quay trở lại bơm ròng trên thị trường tín phiếu.

Tuy vậy, một số ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đã mạnh dạn giảm lãi suất huy động trong những ngày vừa qua. Trong đó phải kể đến là ngân hàng BIDV, Agribank hạ từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn khác nhau. Các NHTMCP khác hạ lãi suất huy động ở mức thấp hơn, ở mức khoảng 0,1%/năm như ở ngân hàng Sacombank, Bản Việt…
 Giao dịch tại Chi nhánh VietinBank Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng

Cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu vốn của DN tăng cao nên động thái giảm lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng hiện được đánh giá là khá bất ngờ. Song, nếu quan sát, việc giảm lãi suất tiền gửi chỉ xảy ra ở một số ngân hàng có tiềm lực và chiếm thị phần lớn. Đây cũng là cách mà các ngân hàng này tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay như Vietcombank, HDBank, VietinBank, ACB, Eximbank… đã áp dụng lãi suất cho vay xuất khẩu chỉ từ 7 - 9%/năm, đồng thời, giảm dần lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân. Ở chiều ngược lại, cũng có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài từ 0,2 – 0,8%/năm như tại VIB, PVcomBank…

Đến cuối tháng 11, NHNN cho biết, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015, trong khi tín dụng tăng 14,57%. Tín dụng đang được xem là một trong những công cụ chủ yếu để đẩy tăng trưởng GDP nhằm đạt mục tiêu năm nay ở mức 6,3 - 6,5%. Nhu cầu bắt buộc phải đẩy tiền ra, một mặt nợ xấu buộc các ngân hàng phải thận trọng, tính toán đầu ra sao cho có lợi nhất. Mặt khác nếu không giảm thêm lãi suất, DN vẫn chưa muốn vay vì chi phí tài chính đang ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Do đó, giới chuyên gia nhận định, các ngân hàng sẽ không tăng lãi suất cho vay dù phải chịu áp lực huy động vốn. Còn 2 tuần nữa sẽ kết thúc năm tài chính 2016, đến thời điểm này có thể nói chắc chắn NHNN đã giữ ổn định không để lãi suất tăng.

Giữ được ổn định đã là tốt

Lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giữ ổn định, tuy nhiên, quá trình này kéo dài đến đâu phụ thuộc vào nguồn vốn lãi suất thấp bền vững. Có thể thấy, tiền vào hệ thống ngân hàng có tăng, nhưng phần lớn là kỳ hạn ngắn, trong khi cho vay là kỳ hạn dài. Đợt giảm này chủ yếu cho các khoản vay ngắn hạn, rút về còn 6 - 6,5%/năm.

Nhận định về xu hướng lãi suất năm 2017, các chuyên gia đánh giá, mặt bằng lãi suất thị trường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản (bao hàm cả nợ xấu), mục tiêu tăng trưởng tín dụng và áp lực từ thị trường tài chính thế giới… Tuy nhiên, điều quan ngại về triển vọng lạm phát năm tới, tình hình nợ xấu vẫn là trở ngại lớn, và hiện tượng chèn lấn từ nhu cầu đi vay của Chính phủ qua phát hành trái phiếu... Thời điểm tháng 12/2016, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch trái phiếu Chính phủ, do vậy, sức ép huy động vốn từ chính sách tài khóa sẽ không còn, lãi suất vì thế cũng bớt đi một sức ép tăng. Tuy nhiên, sang năm 2017 lại khác, nhất là trong bối cảnh thâm hụt ngân sách vẫn tăng cao.

Năm 2017, theo quy định của Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Vì thế, nếu muốn duy trì chỉ số này, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn… Thực tế vừa qua, trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn có xu hướng giảm, lãi suất kỳ hạn dài lại tăng. Các ngân hàng cho biết, đây là sự điều chỉnh khi ngân hàng đang muốn hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn để đáp ứng quy định thanh khoản mới của NHNN bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017.

Liên quan đến tỷ giá và diễn biến thế giới, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá, năm 2017 sẽ là một năm đầy biến động của kinh tế thế giới và thị trường tài chính, gắn với nhân tố Mỹ. “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất vào cuối năm và trong tương lai còn có thể tiếp tục tăng lên. Nếu lãi suất VND giữ nguyên thì chênh lệch giữa lãi suất USD trên thị trường quốc tế và lãi suất tiền VND sẽ co hẹp. Khi đó, theo quy luật thì dòng tiền sẽ chạy đến những thị trường, kênh đầu tư có khả năng mang lại suất sinh lời cao hơn. Từ đó có thể gây áp lực lên thanh khoản VND nên việc cắt giảm lãi suất hay kỳ vọng lãi suất VND có thể giảm tiếp trong năm tới là hạn chế” - ông Hải phân tích. “Chuyện giữ ổn định tỷ giá trong chừng mực nhất định là điều thật sự quan trọng trong tương quan với lãi suất. Trong năm tới, điều hành chính sách lãi suất quả là khó khăn. Theo tôi, chỉ cần duy trì lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay là tốt rồi, còn giảm thêm thì tôi nghĩ hầu như là rất khó” - TS Nguyễn Trí Hiếu đồng quan điểm.

Trong thông cáo phát đi tuần trước, NHNN cho biết, trong năm 2017, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016, thay vì đặt mục tiêu tiếp tục giảm được lãi suất cho vay VND. Mục tiêu gợi mở “phấn đấu ổn định” như trên hàm ý khả năng tiếp tục giảm được lãi suất cho vay là rất khó, nếu không nói đến tình huống lãi suất có thể tăng lên trong năm 2017 và nhà điều hành phải phấn đấu giữ được ổn định như năm 2016.

Theo dữ kiện lạm phát 5% so với năm ngoái, năm tới lạm phát cũng ở 5%, như vậy lãi suất khó giảm được. Hiện nay lãi suất VND tương đối thấp, NHNN công bố ở mức 6 – 10%, có một vài khoản 11%. Lãi suất của chúng ta so với khu vực không phải là cao. Tuy nhiên, các DN Việt vẫn gặp khó khăn bởi nhiều chi phí không chính thức cao, chi phí này chiếm tới khoảng 12% doanh thu.

TS Cấn Văn Lực


Trong bối cảnh hiện nay khó mà giảm lãi suất, một là phân bổ tín dụng không đều. Năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18%, nhưng phân bổ tín dụng rất thiệt thòi cho DN nhỏ và vừa. Theo tôi, NHNN không chỉ công bố nợ xấu bao nhiêu mà phải là nợ xấu do ai nữa bởi nợ xấu cản rất lớn lãi suất cho vay.

GS.TS Nguyễn Mại


Trước sức ép năm 2017, NHNN có thể giữ ổn định lãi suất trong năm 2017 bằng những công cụ: NHNN tạo tính thanh khoản cho thị trường, có thể bơm tiền vào lưu thông qua OMO. Qua đó, NHNN điều chỉnh giá vốn, làm nó rẻ hơn. Dĩ nhiên, việc bơm tiền ra lưu thông phải có giới hạn, liều lượng phù hợp để không tạo sức ép lên lạm phát. Nhưng để đảm bảo giá vốn hợp lý cho nền kinh tế, thì không chỉ mình chính sách tiền tệ thực hiện được, mà còn phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa. Nếu Chính phủ không tăng kỷ luật ngân sách mà tiếp tục bội chi, phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao để bù đắp thì dù ngân hàng có cố gắng mấy cũng không có cách nào giảm lãi suất.

TS Nguyễn Trí Hiếu