Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro, diễn ra trong ngày 29/11 tại Brussels, Bỉ, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker cho biết, do tình hình đã thay đổi nên EFSF mở rộng sẽ không thể lên tới 1.000 tỷ euro như đã định mà sẽ ít hơn. Ông Juncker cũng cho biết hội nghị đã nhất trí với việc xúc tiến thăm dò khả năng tăng nguồn hỗ trợ từ IMF thông qua các khoản vay song phương, mở đường để IMF tham gia “bức tường lửa” EFSF nhằm ngăn chặn nợ công lan rộng và hợp tác chặt chẽ hơn với cơ chế này. [Khủng hoảng nợ công đã bắt đầu "gõ cửa" nước Pháp] Trong khi đó, giới phân tích dự đoán việc Khu vực đồng euro huy động thêm nguồn tài chính từ IMF có thể gây bất hòa giữa EU và các đối tác quốc tế chính của tổ chức này, đặc biệt là Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho IMF. Tại hội nghị, các bộ trưởng nhất trí cho phép EFSF bảo lãnh 20-30% thiệt hại mà các nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ của những nước gặp khó khăn về tài chính ở châu Âu có thể phải gánh chịu, đồng thời quyết định thành lập các quỹ “cùng đầu tư” nhằm cho phép các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân tham gia EFSF. Tuy nhiên, người phụ trách quỹ này cho rằng tình hình hiện nay rất khó dự đoán, vì thế không nên đưa ra con số bảo lãnh cụ thể. Các bộ trưởng cũng đồng ý giải ngân khoản cứu trợ thứ sáu trị giá 8 tỷ euro từ gói cứu trợ thứ nhất mà EU và IMF đã nhất trí dành Hy Lạp, cũng như phần cứu trợ tiếp theo trị giá 8,5 tỷ euro trong gói cứu trợ phối hợp EU/IMF dành cho Ireland, sau khi 2 “con bệnh” nợ công này đáp ứng những mục tiêu nhận cứu trợ. Hy Lạp sẽ vỡ nợ nếu không nhận được khoản cứu trợ thứ sáu trước ngày 15/12 tới. Một số bộ trưởng đề nghị Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ vai trò lớn hơn trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công thông qua IMF, bằng cách cấp các khoản cho vay cho IMF để định chế này có tiền hỗ trợ những quốc gia chịu tác động bởi khủng hoảng nợ công. Các bộ trưởng cho rằng EFSF không thể tự mình giải quyết mọi vấn đề và ECB cần đưa ra quyết định về vấn đề này. Trong khi đó, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn nhấn mạnh tại thời điểm hiện nay, các khoản vay song phương sẽ do các nước thành viên Khu vực đồng euro đảm nhận và Ủy ban châu Âu (EC) chưa có ý định cho phép một định chế tài chính EU tham gia nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công. Cũng trong ngày 29/11, phí tổn vay mượn của Italy đã tăng vọt lên mức báo động do các nhà đầu tư trái phiếu chính phủ nước này đòi tăng lãi suất lên trên 7%, tỷ lệ được đánh giá là không thể kham được đối với Rome và làm gia tăng mối quan ngại rằng Italy sẽ phải xin cứu trợ vỡ nợ. Theo đánh giá của cơ quan kiểm toán EU, mức lãi suất cao kéo dài ở Italy làm gia tăng nguy cơ nước này không thể tự kiểm soát nợ công. Trong trường hợp khủng hoảng vốn ở Italy biến thành khủng hoảng nợ thì hậu quả do cuộc khủng hoảng này gây ra đối với các nền kinh tế lớn khác trong khu vực sẽ rất nghiêm trọng. Nợ công của Italy hiện lên tới gần 2.000 tỷ euro, với khoảng 400 triệu euro đáo hạn vào năm tới, tương đương tổng số tiền mà EU và IMF cam kết cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha gộp lại./.