Tổng thống Putin tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách khi EU gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế Nga. |
Hội đồng châu Âu tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga, lần đầu tiên được áp đặt vào năm 2014 và dự kiến hết hạn vào cuối tháng 1/2017, sẽ kéo được dài cho đến ngày 31/7/2017. Hội đồng châu Âu hiện đang họp về các nội dung liên quan đến nhập cư, an ninh, kinh tế, phát triển xã hội, cũng như các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa EU với Ukraine, Nga và cuộc xung đột tại Syria.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hoan nghênh quyết định của EU và cảm ơn sự đoàn kết, thống nhất của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. EU áp đặt trừng phạt Nga sau khi xảy ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Hiện, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vẫn chưa được giải quyết với gần 10.000 người thiệt mạng.
Giới truyền thông cho rằng, quyết định của EU cũng được đánh giá là một thông điệp gửi tới Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc cần phải tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga. Mặc dù vậy, vẫn có sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU liên quan đến việc gia hạn trừng phạt Nga và Ba Lan là một trong số các nước EU muốn kéo dài lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các nước Áo, Hungaria, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia và Cyprus lại phản đối các biện pháp trừng phạt Nga.
Theo Phó Thủ tướng Áo Reinhonld Mittelehner, việc kéo dài lệnh trừng phạt chống Nga không thể trở thành mục đích tự thân. Ông Reinhonld Mittelehner tuyên bố ủng hộ dỡ bỏ từng bước lệnh trừng phạt đối với Nga trên cơ sở những tiến bộ của việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk. Phó Thủ tướng Áo cũng nhấn mạnh, thỏa thuận Minsk cần được cả Nga và Ukraine thực hiện, lệnh trừng phạt chống Nga sẽ không mang lại điều gì có lợi, không giúp giải quyết vấn đề.