Báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp cho thấy trong 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU chỉ đạt 5 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ.
"Dự báo xuất khẩu quý I và II của Việt Nam sang EU dự báo có thể giảm từ 6 - 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang nhận định.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài đưa ra nhiều thông tin xấu hơn về các ngành công nghiệp. Cụ thể, các ngành công nghiệp nặng như thép, ôtô… đang giảm sâu do nhu cầu giảm thấp, công nghiệp thực phẩm như ngành bia sản lượng chỉ đạt 60% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại Mỹ và EU, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng đang dần chịu ảnh hưởng. Riêng 2 ngành dệt may và da giày từ khoảng giữa tháng 3 đã phần nào cải thiện vướng mắc về nguyên phụ liệu, tuy nhiên, 2 ngành này lại đối mặt với khó khăn về đầu ra. “Mỹ và EU đã có các yêu cầu hoãn và dừng đơn hàng trong tháng 4 và 5; đơn hàng tháng 6 tạm thời chưa đàm phán nên rất khó khăn”, ông Trương Thanh Hoài nói.
Nói về tác động việc EU tạm thời đóng cửa biên giới gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng: EU đã thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. Quy định kiểm soát dịch bệnh này của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU bởi lẽ quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân, hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cảnh báo: Xét trên một số khía cạnh kinh tế, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.
Cùng với đó, lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,… nhưng lại các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU) khả năng sẽ suy giảm 6 - 8% nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6.
"Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu ví dụ.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu sang EU đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo mặc dù kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng sang thị trường EU đang suy giảm nhưng sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn có thể được duy trì. Đặc biệt, tình hình xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm nay khi Covid-19 được đẩy lùi và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Phát biểu tại buổi họp, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại sang trực tuyến nhằm duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc.