Mục đích của chuyến thăm nhằm tạo sự cân bằng trong trao đổi thương mại giữa EU và Maroc như những gì đã được nêu ra trong hiệp định nông nghiệp giữa hai bên.
Quyết định này đặt dấu chấm hết, hoặc chí ít là giảm thiểu căng thẳng tại Maroc khi EU thông qua khuôn khổ cải cách Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) cũng như quy định tăng giá các sản phẩm rau quả của Maroc trên thị trường chung.
Được Ủy ban nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Nghị viện châu Âu thông qua, việc cải cách CAP sẽ có hiệu lực từ tháng Mười tới, góp phần thay đổi điều kiện tiếp cận của các sản phẩm nông nghiệp Maroc vào thị trường châu Âu. Như vậy, với hệ thống mới được thông qua, rau quả của Maroc vào thị trường EU sẽ được miễn thuế trên cơ sở giá trị áp đặt, không xem xét tới giá trị thực của sản phẩm mà điều này hiện nay có thể ảnh hưởng xấu đến sức cạnh cạnh tranh của các sản phẩm của Maroc.
Về phần mình, Chính phủ Maroc chỉ rõ rằng điều này đặt ra thách thức cho Hiệp định nông nghiệp 2012 vừa mới có hiệu lực. Theo đó, Maroc xuất khẩu 55% sản lượng trái cây và hoa quả mà không bị đánh thuế, so với mức 33% trước đó. Bên cạnh đó, trong suốt 10 năm, 70% lượng hàng xuất khẩu của EU sang Maroc cũng được miễn thuế.
Các cuộc thảo luận tới đây trùng với những khởi xướng từ vài tháng nay nhằm đạt được Hiệp định tự do thương mại sâu sắc và toàn diện (ALEAG), góp phần thúc đẩy mối quan hệ thương mại sẵn có trong các lĩnh vực như dịch vụ và thị trường công. Ngoài ra, hiệp định này cũng góp phần bảo hộ tốt hơn đầu tư cũng như những cam kết mới liên quan đến cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.
Các nhà đàm phán sẽ tìm cách đơn giản hóa các thủ tục hải quan, giảm nhẹ hàng rào thương mại liên quan đến các tiêu chuẩn không tương thích hoặc không rõ ràng, hay các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Một chương liên quan đến phát triển bền vững sẽ đảm bảo việc tự do hóa trao đổi không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và các quy ước xã hội.
ALEAG là một bước quan trọng cho việc kinh tế Maroc hội nhập nhanh hơn vào thị trường EU, loại bỏ các rào cản về thương mại ngay tại biên giới và hơn thế nữa. Nó cũng làm sâu sắc hơn sự hội nhập bằng cách kết nối giữa yêu cầu thương mại, quy định công nghiệp, kỹ thuật, các quy định liên quan đến động thực vật đang có hiệu lực tại Maroc, cũng như quy định của EU.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Maroc chiếm 50% tổng trao đổi hàng hóa của quốc gia này. Giá trị trao đổi thương mại giữa hai bên đạt hơn 26 tỷ euro năm 2012, trao đổi dịch vụ đạt 7 tỷ euro, đầu tư song phương đạt gần 29 tỷ euro.
Chợ rau ở Marrakech, Maroc. (Nguồn: imagesofanthropology.com)
|