Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Eurozone dần tiến gần tới suy thoái lần hai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), GDP của Eurozone - gồm 17 nước thành viên - trong quý II/2012 suy giảm 0,2% so với quý I/2012, không thay đổi so với con số công bố hôm 14/8, và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) suy giảm trong quý 2/2012, do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và đầu tư của các công ty sụt giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng mạnh đã phần nào giúp hạn chế sự sụt giảm của khu vực này.

Cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu ở Hy Lạp gần ba năm trước đã dập tắt những nỗ lực phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008/2009, đồng thời nhiều khả năng đẩy khu vực này vào suy thoái lần thứ hai chỉ trong vòng ba năm.

Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), GDP của Eurozone - gồm 17 nước thành viên - trong quý II/2012 suy giảm 0,2% so với quý I/2012, không thay đổi so với con số công bố hôm 14/8, và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2011.
 
Eurozone dần tiến gần tới suy thoái lần hai - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: PA)

Trong quý II/2012, chi tiêu tiêu dùng giảm 0,2% và nhịp độ tăng chi tiêu của chính phủ chậm lại mức 0,1%. Tuy nhiên, với mức tăng tương đối mạnh 1,3% trong quý 2/2012, xuất khẩu đã đóng góp 0,6 điểm % vào tăng trưởng GDP của Eurozone.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và kinh tế Mỹ vẫn đang gắng sức để có thể phục hồi vững, Eurozone không thể dựa vào xuất khẩu để đưa khu vực này ra khỏi suy thoái.

Trong quý II/2012, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tăng trưởng chậm lại còn 0,3%, kinh tế Pháp không tăng, trong khi GDP của Italy giảm trong quý thứ tư liên tiếp và của Tây Ban Nha giảm 0,4%.

Joost Beaumont, nhà kinh tế cao cấp thuộc ABN AMRO, cho rằng kinh tế Eurozone - khu vực đóng góp 16% sản lượng kinh tế toàn cầu - sẽ giảm trong quý III/2012 do nhu cầu trong nước chịu tác động của các biện pháp củng cố tài chính, tỷ lệ thất nghiệp tăng, hoạt động tín dụng bị thắt chắt và cả sự bất ổn lớn liên quan đển cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo Eurozone sẽ giảm ít nhất 0,3% trong năm nay và đà phục hồi chỉ có thể diễn ra vào giữa năm 2013.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 6/9 kêu gọi các quan chức châu Âu làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực khi cuộc khủng hoảng này đang làm giảm sút lòng tin toàn cầu, suy yếu thương mại và việc làm, đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone. Nhà kinh tế chủ chốt của OECD, Pier Carlo Padoan, nhấn mạnh giải quyết các vấn đề về ngân hàng, tài chính và cạnh tranh là chìa khóa cho sự phục hồi của khu vực này.

Nhằm giảm chi phí vay mượn cho các nước thành viên Eurozone đang ngập trong nợ nần và làm dịu tác động của cuộc khủng hoảng nợ công, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 6/9 đã quyết định mua không hạn chế trái phiếu chính phủ của các nước thành viên trên thị trường thứ cấp với thời gian đáo hạn 1-3 năm và với điều kiện các nước liên quan phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSE)/Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (ESM).

Cũng trong cuộc họp chính sách ngày 6/9, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức thấp kỷ lục 0,75%, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone cả năm 2012 sẽ giảm 0,4%, trước khi tăng 0,5% trong năm 2013./.