Facebook báo lợi nhuận "khủng" giữa bê bối bất chấp vì tiền

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh rò rỉ các tài liệu nội bộ cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới đã coi trọng doanh thu hơn là an toàn cho người dùng, Facebook hôm 25/10 báo cáo lợi nhuận tăng cao của quý gần nhất.

Một nhà vận động dựng hình ảnh chế nhạo Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh, London, ngày 25/10. Ảnh: AP 
Facebook cho biết, thu nhập ròng của công ty đã tăng 17% trong giai đoạn từ tháng 7 - 9/2021, lên 9,19 tỷ USD, nhờ doanh thu quảng cáo tăng mạnh. Con số này tăng từ 7,85 tỷ USD vào năm ngoái và nâng tổng doanh thu tăng 35%, lên 29,01 tỷ USD.

Cổ phiếu của Facebook đã tăng 2,5% trong giao dịch ngoài giờ sau khi đóng cửa, tăng 1% trong ngày 25/10. Các kết quả này đều đã vượt quá dự báo của các nhà phân tích trước đó về lợi nhuận của Facebook.

Đáng chú ý, triển vọng tích cực của tình hình tài chính mạng xã hội Facebook đến ngay sau khi thế giới choáng váng bởi "Facebook Papers" - một kho tài liệu nội bộ khổng lồ được thu thập bởi một nhóm các tổ chức tin tức, bao gồm AP - cùng lời khai của người tố giác Facebook, cựu nhân viên của công ty, Frances Haugen, trước các nhà lập pháp Anh hôm 25/10.

Trong một phát biểu cùng ngày, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg chỉ đề cập ngắn gọn về điều mà anh gọi là "cuộc tranh luận gần đây xung quanh công ty của chúng tôi". Phần lớn trong đó đều lặp lại những tuyên bố mà Zuckerberg đã đưa ra sau lời khai ngày 5/10 của Haugen trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ.

Zuckerberg nhấn mạnh rằng anh hoan nghênh "những lời chỉ trích có thiện chí", nhưng coi bê bối hiện tại là một âm mưu nhằm vẽ nên "bức tranh sai lệch" về công ty này. "Thật dễ dàng khi chỉ trích Facebook chỉ tập trung vào kiếm tiền, nhưng thực tế là những vấn đề nêu ra không liên quan đến công việc kinh doanh của chúng tôi, mà xoay quanh việc cân bằng các giá trị xã hội vốn không hề đơn giản", Zuckerberg nói.

Lời khai hôm 25/10 của Haugen lặp lại phần lớn những gì cô đã nói trước Thượng viện Mỹ vào ngày 5/10. Theo Haugen, các thuật toán Facebook ưu tiên đăng tải các thông tin tiêu cực, đồng thời biến các hội nhóm trên mạng xã hội này trở thành môi trường dung dưỡng sự thù hận. Cựu kỹ sư khoa học dữ liệu của Facebook nhấn mạnh, công ty hoàn toàn có thể thêm người kiểm duyệt để ngăn các hội nhóm như vậy bị lợi dụng và truyền bá quan điểm cực đoan.

Haugen chỉ trích "gã khổng lồ" mạng xã hội đã kích động sự thù hận và chủ nghĩa cực đoan trên không gian mạng, không bảo vệ trẻ em khỏi nội dung có hại và không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm khắc phục các vấn đề này. "Không thể nghi ngờ gì nữa, nó (Facebook) đang làm mọi thứ  trở nên tồi tệ hơn", Haugen nói trước các nhà lập pháp Anh hôm 25/10.

Cựu nhân viên Facebook Frances Haugen đưa ra lời khai trước các nhà lập pháp Anh hôm 25/10. 
Haugen cũng đã cáo buộc Instagram, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh thuộc sở hữu của Facebook, đã không có biện pháp hiệu quả giới hạn trẻ em dưới 13 tuổi - độ tuổi tối thiểu của người dùng - đối với việc mở tài khoản. Theo cô, điều này làm gia tăng nguy cơ trẻ em tiếp xúc với nội dung tiêu cực, chẳng hạn là những hình ảnh khiến chúng cảm thấy tự ti về cơ thể của mình.
Haugen nói thêm, cô "bị sốc" khi biết rằng Facebook đang muốn đẩy mạnh thứ mà Zuckerberg gọi là Metaverse - kế hoạch xây dựng một thế giới trực tuyến nhập vai mà công ty này tin rằng sẽ là xu hướng lớn của internet trong thời gian tới.
"Họ sẽ thuê 10.000 kỹ sư ở châu Âu để làm việc trên Metaverse" - Haugen nói - "Và tôi đã nghĩ, công ty sẽ có thể làm gì với vấn đề an toàn nếu chúng tôi cũng có thêm 10.000 kỹ sư như thế?"

Trong tuyên bố hôm 25/10, Facebook chỉ ra rằng công ty đã đầu tư 13 tỷ USD vào nỗ lực đảm bảo an toàn và bảo mật kể từ năm 2016, và khẳng định rằng nó đã giúp "giảm gần một nửa" các nội dung thù hận trong 3 quý qua.

"Mặc dù chúng tôi có các quy tắc chống lại nội dung độc hại và xuất bản các báo cáo minh bạch thường xuyên, nhưng thực tế cho thấy cần có những quy định chung toàn ngành để các doanh nghiệp như của chúng tôi không phải tự mình đưa ra những giải pháp này", Facebook cho biết.

Nhà phân tích Debra Aho Williamson của eMarketer nhận định, bức tranh doanh thu của Facebook hiện có vẻ vẫn tốt như mong đợi, nhưng cô dự đoán rằng các tiết lộ và phát hiện nhiều hơn về sự độc hại của "ông lớn" mạng xã hội này sẽ gây ra những tác động đáng kể.

Việc công khai lên tiếng tố giác Facebook của Haugen đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của không ít chính phủ tại châu Âu như Anh - nơi đang xây dựng những quy tắc kỹ thuật số để bảo vệ người dùng internet tốt hơn, trong đó đặc biệt yêu cầu các nền tảng trực tuyến chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với nội dung bất hợp pháp hoặc nguy hiểm được đăng tải.

Chẳng hạn, theo quy định của chính quyền London, dự kiến ​​có hiệu lực vào năm tới, các tập đoàn công nghệ sẽ phải đối mặt với hình phạt tối đa lên tới 10% doanh thu toàn cầu của họ cho bất kỳ vi phạm nào. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đề xuất một hình phạt tương tự. Tháng tới, Haugen dự kiến ​​sẽ có cuộc gặp với các quan chức EU tại Brussels, Bỉ.