30 năm thu hút hơn 334 tỷ USD
Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.500 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực, tiếp tục khẳng định Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút FDI trên toàn cầu.
Trong những năm đầu tiên, khi Luật Đầu tư nước ngoài mới ban hành, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam còn rất ít. Chỉ trong hơn 2 năm, kể từ năm 1988 đến tháng 5/1990, chỉ có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD.
Quá trình từ xây dựng Luật Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tiên ban hành tháng 12/1987, tiếp tới 3 lần sửa đổi luật này và thêm dấu ấn năm 2005 Ban hành Luật đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước. Tuy nhiên, năm 2014, việc sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư đã tạo một bước đột phá trong tư duy của Việt Nam bởi kể từ thời điểm đó doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Sau 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Việt Nam từ một quốc gia nghèo (GDP đầu người 1989 là 100 USD) đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (GDP đầu người năm 2017 là 2.400USD), quốc gia có tốc độ hội nhập ấn tượng, là đối tác chiến lược của các quốc gia lớn, có tiếng nói quan trọng trong Liên hợp quốc, có vị thế trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông... Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ &ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau 30 năm, DN FDI đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Khu vực FDI đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng việc thu hút và sử dụng ĐTNN đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Loại bỏ những mảng tối
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nêu trên, nhưng khu vực ĐTNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục như: Mức kết nối, lan tỏa của khu vực ĐTNN đến khu vực tư nhân trong nước còn hạn chế; thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN còn hạn chế; còn hiện tượng một số DN chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực, và đang đặt ra những thách thức rất lớn nhưng cũng tạo nhiều cơ hội để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, bắt kịp với các nước.
Để tận dụng được các cơ hội đó, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư đích đáng cho hoạt động đổi mới, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để khuyến khích dòng đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề mới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Michael Kelly, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) khẳng định, hướng tới 30 năm tiếp theo, Việt Nam có những cơ hội tuyệt vời trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Kelly, cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ mới có mặt ở đây 24 năm, nhưng cũng có nhứng tác động tích cực. Hiện nhà đầu tư từ Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên quan điểm lạc quan về tương lai khi vào Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam cũng cần đảm bảo tính công bằng, khách quan, Luật Đầu tư kèm theo những điều khoản rõ ràng để đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đánh giá, với môi trường đầu tư ưu đãi của Việt Nam và sự cạnh tranh trong chi phí sản xuất, tầng lớp trung lưu phát triển…, Việt Nam thực sự là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại leo thang chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông Audier bày tỏ kỳ vọng lớn vào Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp Việt Nam được tiếp cận thị trường 500 triệu người của châu Âu mà không có rào cản thuế quan.