Và theo dự báo, năm 2017, việc thu hút FDI vẫn tăng trưởng tốt, với số vốn đăng ký và vốn thực hiện sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2016.Cùng với nhiều ưu thế, việc môi trường kinh doanh ngày một cải thiện hơn đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế nhiều dự án FDI lớn đang được tiến hành từ Bắc chí Nam, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu và cân bằng cán cân thương mại quốc tế. Tập đoàn LG đang xây dựng nhà máy thứ hai sản xuất tivi, tủ lạnh tại Hải Phòng với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; các nhà đầu tư Nhật Bản và quốc tế sắp hoàn thành tổ hợp lọc, hóa dầu tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD, tạo ra nguyên liệu cho nhiều ngành làm giảm đáng kể kim ngạch nhập khẩu. Samsung vừa đưa vào vận hành nhà máy sản xuất điện tử dân dụng tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, với vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu...Song, thu hút vốn FDI trong những năm tới lại cần mạnh hơn về chất lượng. Đây là thời điểm cần thiết phải có sự cân nhắc, lựa chọn. Thu hút FDI không nên quá nhiều, không chạy theo số lượng, mà cần chọn lọc, tính toán, chuyển hướng sang chú trọng chất lượng. Nguồn vốn FDI đăng ký chỉ nên chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội là hợp lý. Với xu hướng phát triển bền vững cùng với bài học từ sự cố môi trường ở miền Trung do DN FDI gây ra cũng như thực trạng môi trường ở nhiều tỉnh, TP hiện nay, thì năm 2017 cũng như các năm tới, thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng phải phục vụ tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, hướng tới nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững. Để làm được điều này trước hết phải bắt đầu từ việc lựa chọn dự án, không nên thu hút thêm FDI vào một số ngành công nghiệp “cổ điển” như gang thép, xi măng, lọc hóa dầu… Thay vào đó, cần đẩy mạnh thu hút FDI vào những ngành sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và chế tạo vật liệu mới như composite, nano... Các dự án phải áp dụng được công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời… Tiếp đến là nâng cao chất lượng thẩm định, tránh tình trạng dự án hiệu quả thấp, tạo ít việc làm, lại gây ô nhiễm môi trường… đã bị địa phương này từ chối nhưng vẫn được địa phương khác “mời gọi”. Và điều quan trọng hơn cả là xây dựng tư duy không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Định hướng và mục tiêu đã rõ ràng, thể chế đang được hoàn thiện, vấn đề có tính quyết định là bộ máy và con người phải quyết tâm thay đổi để thu hút FDI không những đóng góp để phát triển kinh tế, mà sự phát triển đó phải đem lại tính bền vững, không ảnh hưởng đến mai sau.