Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FDI liên tục đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính từ đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp này đã đạt tới gần 13 tỷ USD.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết 20/10/2016, cả nước thu hút 2.061 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 24,4% về số lượng và giảm 1,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, còn có 967 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 5.3 tỷ USD.
Trong tổng số 19 ngành, lĩnh vực thu hút FDI, công nghiệp chế biến, chế tạo đang có đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 8.3 tỷ USD, chiếm 68,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn FDI vào ngành này đạt 12.8 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 46 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 982 triệu USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 657 triệu USD, chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư.
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam 10 tháng năm 2016, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 4.6 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đăng ký đầu tư. Tiếp đến là Singapore với 1.26 tỷ USD, chiếm 10,4% và Hồng Kông (Trung Quốc) với 959 triệu USD, chiếm 7,8%.
Đối với 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 2.443,6 triệu USD, chiếm 19,9% tổng vốn đăng ký cấp mới.