FED chưa vội đảo ngược chính sách siêu nới lỏng dù lạm phát chạm đỉnh

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch FED Jerome Powell vừa khẳng định rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới cần phải phục hồi hoàn toàn trước khi ngân hàng trung ương thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hiện tại.

 Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong cuộc điều trần định kỳ 6 tháng một lần tại Quốc hội Mỹ hôm 14/7. Ảnh: Reuters
Phát biểu điều trần định kỳ 6 tháng một lần tại Quốc hội Mỹ về nền kinh tế và chính sách tiền tệ hôm 14/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã ghi nhận một số cải thiện của nền kinh tế Mỹ, nhưng lưu ý rằng thị trường lao động vẫn ở mức khá yếu so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo ông Powell, FED nhận định rằng nền kinh tế số một thế giới vẫn còn "một chặng đường dài" trước khi đạt được toàn dụng việc làm và giá hàng hóa ổn định. Lãnh đạo FED cũng thông báo rằng các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ đang thảo luận về khả năng giảm quy mô thu mua tài sản.
“Bất kỳ động thái nào nhằm giảm bớt sự hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ, bằng việc thu hẹp chương trình thu mua tối thiểu 120 tỷ USD trái phiếu hàng tháng của FED vẫn còn là một chặng đường dài, khi vẫn còn thiếu 7,5 triệu việc làm so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát” - Chủ tịch Powell nhấn mạnh với các quan chức của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.
Dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức đỉnh trong đại dịch là 14,8% xuống còn 5,9%, FED vẫn tập trung vào mục tiêu toàn diện việc làm cho tất cả nhóm dân số.
Về lạm phát, Chủ tịch Powell nói rằng lạm phát "đã tăng đáng kể và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trước khi ổn định trở lại". Tuy nhiên, người đứng đầu FED vẫn tin tưởng rằng đà tăng của lạm phát chỉ là tạm thời và dữ liệu sẽ giảm khi các điều kiện của nền kinh tế trở lại bình thường. Theo giải thích của ông Powell, phần lớn áp lực lạm phát đến từ một số ngành công nghiệp nhất định như ô tô đã qua sử dụng, những ngành vốn nhạy cảm với các điều kiện mang tính tạm thời.
Ông Powell khẳng định rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 vừa qua tăng vọt lên tới 5,4% - mức cao nhất kể từ tháng 8/2008, nhưng FED vẫn kiên định với chính sách siêu nới lỏng của mình và sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Chủ tịch Powell nhấn mạnh FED sẽ tiếp tục tập trong vào nỗ lực tăng số việc làm nhiều nhất có thể và mức lãi suất gần 0 có thể được áp dụng ít nhất đến năm 2023. Ông cũng trấn an các nghị sỹ rằng FED có các công cụ để ứng phó với lạm phát và sẽ nhanh chóng phản ứng nếu cần thiết.
Giới đầu tư đang nóng lòng muốn biết khi nào FED sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình thu mua trái phiếu tối thiểu 120 tỷ USD/tháng trong khi vẫn giữ lãi suất cố định gần bằng 0.
Ông Chintan Karnani - Trưởng bộ phân nghiên cứu của quỹ Insignia Consultants nhận xét: “Những tuyên bố mới nhất của Chủ tịch Powell trước Quốc hội Mỹ đang phát đi thông điệp rằng lạm phát sẽ tăng nhanh hơn nữa, nền kinh tế Mỹ cần phải cải thiện nhiều hơn trước khi ngân hàng trung ương tính đến biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc giảm tốc độ mua vào trái phiếu”. Theo chuyên gia Karnani, số liệu về lạm phát tại Mỹ quý III và xu thế tăng trưởng của thị trường lao động thời gian tới sẽ giúp biết được khi nào FED sẽ bắt đầu rút đi các biện pháp kích thích tiền tệ.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của FED về nền kinh tế Mỹ, được gọi là Sách Be (Beige Book), công bố cùng ngày 14/7, nhận định: "Một số doanh nghiệp nhận thấy áp lực giá cả hiện giờ chỉ mang tính tạm thời, trong khi đa số dự đoán chi phí đầu vào và giá bán sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới."
Trước đó, tại cuộc họp chính sách ngày 16/6, FED đã quyết định tăng dự báo lạm phát cho năm nay và thông báo sẽ nâng lãi suất sớm hơn kế hoạch ban đầu. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhất trí giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn gần mức 0 nhưng cho biết ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất sớm nhất vào năm 2023.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần