Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2019 tăng trưởng mạnh là minh chứng rõ nhất cho thấy các DN Việt đã tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan từ các FTA. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số tăng trưởng tốt như: Nhật Bản tăng 10%, Hàn Quốc tăng 8,1%, ASEAN tăng 4,7%; Nga tăng 13,9%, New Zealand tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đều tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sang Canada đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%.
Bộ Công Thương dự báo, năm 2019, xuất khẩu đạt khoảng 261 - 262 tỷ USD, tăng 7 - 7,5% so với năm 2018. Đáng lưu ý, con số này giảm so với dự báo Bộ đưa ra vào đầu năm là khoảng 265 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với năm 2018. |
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh phân tích thêm, sau khi CPTPP được đi vào thực thi, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP đều tăng trưởng mạnh, tập trung ở các mặt hàng mà nước ta có thế mạnh như: Điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị, thủy sản, dệt may. Các DN trong nước đang tận dụng khá tốt các FTA này, thể hiện qua con số tăng trưởng sau 9 tháng đã đạt 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI (đạt 5%).
Nếu khối DN FDI chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn gần 70% nhưng tốc độ tăng trưởng các mặt hàng chỉ đạt hơn 5%, trong khi đó khối DN trong nước xuất khẩu các mặt hàng tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số. Ví dụ, hàng dệt may tăng 10,4%, giày dép 13,5%, sản xuất nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 46,4%... Đây cũng là các mặt hàng mà khối thị trường các nước ký FTA với Việt Nam có nhu cầu tương đối cao.
Kiểm soát nhập khẩu, siết chặt lẩn tránh thuế
Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng, bởi theo chu kỳ xuất khẩu hàng hóa thường tăng cao trong những tháng cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và chuyên gia đều cảnh báo còn nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp.
Xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức do nhiều nước có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, để tận dụng hiệu quả các ưu thế từ các FTA, bắt buộc các DN phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần cảnh báo, có giải pháp bảo vệ các DN chân chính tránh bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, từ đó tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ tăng cường kiểm soát nhập khẩu, xử lý vấn đề lẩn tránh thuế. Đặc biệt là chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và thông tin, cảnh báo các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa như: Sắt thép, gỗ dán, xe đạp điện, lốp ô tô, nhôm, hàng dệt may…