G20 khẳng định chủ nghĩa bảo hộ gây tổn hại kinh tế toàn cầu

NGUYỄN XUÂN (THEO DAILYMAIL)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 21/4 ra tuyên bố rằng việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây tổn hại đối với nền kinh tế toàn cầu.

Các bộ trưởng Tài chính thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 21/4 đã nhóm họp bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Mỹ. Tại cuộc họp, hội nghị đã đạt đồng thuận rằng "thương mại tự do tốt hơn đối với tăng trưởng toàn cầu và "chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm tổn hại đến kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế liên quan".
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhắc lại cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc bảo vệ Mỹ chống lại cái mà nước này coi là "thương mại không công bằng".
Ông Mnuchin khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mở rộng thương mại với các đối tác cam kết cạnh tranh dựa vào thị trường, trong khi bảo vệ mình nghiêm ngặt trước các hoạt động thương mại không công bằng.
 Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết các đại biểu đã đạt đồng thuận rằng "thương mại tự do tốt hơn đối với tăng trưởng toàn cầu”.
Phát biểu với báo giới sau khi bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết các đại biểu tham dự hội nghị đã đạt đồng thuận rằng "thương mại tự do tốt hơn đối với tăng trưởng toàn cầu và "chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm tổn hại đến kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế liên quan".
Theo Bộ trưởng Schaeuble, nhiệm vụ của Hội nghị bộ trưởng Tài chính G20 là thảo luận các vấn đề nhằm để mọi việc đi đúng hướng, cũng như nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách G20 cần phải nỗ lực hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đối phó với các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.
Bộ trưởng Tài chính Đức nhấn mạnh cần giải quyết việc "nhiều người cho rằng không được hưởng lợi từ tăng trưởng và toàn cầu hóa", nếu không thế giới sẽ phải chứng kiến chủ nghĩa bảo hộ lớn hơn.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đồng thuận quan điểm cần nỗ lực hơn nhằm gia tăng lợi ích của tăng trưởng và toàn cầu hóa, trong đó có đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Theo Thống đốc ngân hàng trung ương Đức Jens Weidmann, G20 cần tập trung hơn vào tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh thiếu cải cách hệ thống tác động đến triển vọng tăng trưởng và bất bình đẳng gia tăng tạo gánh nặng lên tăng trưởng tiềm năng.
Bên cạnh đó, ông Weidmann cũng cho biết hầu hết các đại biểu đều nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp cận thị trường mở và thị trường tự do. Thống đốc Weidmann thông báo các bộ trưởng nhất trí cần "mở thêm nhiều thị trường" hơn là tăng rào cản thương mại.
Nhóm G20 gồm các nước Argentina (Ác-hen-ti-na), Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).