KTĐT - Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu giải trí, ngành công nghiệp game đang hướng vào những mục đích nghiêm túc trong lĩnh vực môi trường và giáo dục.
“Tôi lớn lên cùng với các trò chơi điện tử và tôi nhận thấy được sức mạnh vô cùng của game cũng như tác động hơn nữa của chúng”, tạp chí Forbes dẫn lời Ben Sawyer, một nhà phát triển game tại Washington D.C (Mỹ). Theo ông, game có khả năng mô tả một vấn đề ở nhiều góc độ hơn hẳn bất cứ hình thức truyền thông nào, và cung cấp khả năng đào sâu vào những yếu tố đó. Nếu game được xây dựng tốt, thậm chí trẻ nhỏ cũng nắm bắt được những vấn đề xã hội phức tạp mà các phương pháp giáo dục thông thường không thể chuyển tải nổi.
MiniMonos là một phiên bản thân thiện môi trường dành riêng cho trẻ em của trò chơi World of Warcraft. Được phát triển vào năm 2007 tại New Zealand, website của trò chơi này là nơi mà trẻ em trên toàn thế giới kiểm soát những nhân vật đại diện là khỉ. Thay vì giết thú vật hoặc đánh nhau để được lên cấp, người chơi được thưởng điểm kinh nghiệm thông qua các nhiệm vụ như dọn sạch nơi bị ô nhiễm hoặc tái chế rác thải. Mục đích của trò này là khắc sâu những giá trị về lao động, lòng bao dung và tính cộng đồng vào đầu óc trẻ em mà không gây nhàm chán. Hiện game đã thu hút được 12.000 người chơi và game thủ đã tận dụng mọi hình thức liên lạc thông qua các blog. Thậm chí một số game thủ nhỏ tuổi đã có sáng kiến hành động thực tế để phục vụ cộng đồng, như chương trình “Nhặt rác vào mỗi thứ sáu” của người chơi Percy.
Một khía cạnh khác của game là khả năng biến những nhiệm vụ nhàm chán hoặc khó khăn trở nên đầy hứng thú và khiến game thủ hăng say làm các công việc bổ ích. Ví dụ, Mangahigh là một website về game tại Anh, được lập ra với mục đích dạy toán, giúp trẻ nhớ các công thức một cách dễ dàng. Đây là website của Toby Rowland và tiến sĩ Marcus du Sautoy, giáo sư toán Đại học Oxford. Phiên bản tại Mỹ đã được khởi động hồi tháng 1 năm nay, thu hút đến 300.000 người tham gia. Các tập đoàn lớn cũng hết sức hứng thú với khả năng giáo dục của game, như Microsoft đã bỏ ra 1,5 triệu USD vào năm 2008 để thành lập Viện Giáo dục thông qua game với Đại học New York và các trường khác. Viện này nghiên cứu cách mà game có thể được sử dụng để khuyến khích trẻ nhỏ ham học toán và khoa học.
Ngay cả Nhà Trắng cũng nhận ra game có thể có ích như thế nào đối với xã hội. Vào tháng 3, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã tuyên bố khởi động cuộc thi “Các ứng dụng vì trẻ em phát triển lành mạnh”, theo đó thách thức các nhà phát triển game tạo ra trò chơi có thể khuyến khích trẻ ăn uống lành mạnh hơn hoặc giúp trẻ giảm béo. Giải thưởng đặc biệt của cuộc thi này là tấm séc trị giá 10.000 USD.