Ông Vũ Xuân Thủy - Ủy viên Đoàn chủ tịch TLĐLĐ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Thường trực Nghị quyết 02 cho biết, qua 5 năm 2010-2015, phong trào thi đua luôn được duy trì, phát triển không ngừng và gắn liền với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Đáng chú ý, từ phong trào đã góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) và phát triển nông thôn, trong đó có việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào SXNN. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2014 đạt 830.000 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm trước. Trong đó, nông nghiệp đạt 617,5 ngàn tỷ đồng, tăng 2,9%; lâm nghiệp đạt 23,9 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1%; thủy sản đạt 188,6 ngàn tỷ đồng, tăng 6,8%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%, tăng 0,6%... Mặt khác, chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014.
5 năm qua, đã có gần 17.000 đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất, tổng giá trị làm lợi gần 100 tỷ đồng từ các kết quả nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, thâm canh tăng vụ, tăng sản xuất giá trị cây trồng, vật con. Phong trào thi đua liên kết góp phần thay đổi phương thức canh tác theo hướng phát huy thế mạnh, khắc phục các yếu tố bất lợi ở từng vùng để sản xuất đạt hiệu quả cao, bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Thực tế phong trào thi đua triển khai Nghị quyết 02 đã đạt kết quả đồng bộ trên mọi lĩnh vực SXNN, xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh hợp đồng tiêu thụ nông sản, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lao động nông nghiệp, nâng cao trình độ nông dân…
Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, phong trào thi đua tuy đã có nhiều cố gắng song chưa được duy trì liên tục và đều khắp, công tác chỉ đạo phong trào và sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp một số nơi chưa chặt chẽ. Nhiều nơi chưa cụ thể hóa các phong trào thi đua phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình, nên chưa lan tỏa sâu rộng tới đoàn viên và CNVCLĐ. Bên cạnh đó, việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa kịp thời, chưa có sự đầu tư phát triển cách nghĩ, cách làm hay, chưa coi trọng công tác tôn vinh, khen thưởng, nhất là với đối tượng người lao động trực tiếp.
Lãnh đạo TLĐLĐ cũng nhận định: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nói riêng và Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung sẽ tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành NN&PTNN nỗ lực nhiều hơn, thi đua sáng tạo, gắn bó mật thiết hơn với cơ sở, với nông thôn. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, TLĐLĐ đề nghị tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa NN&PTNT, nhất là chính sách về đất đai, vốn, cơ giới hóa, đặc biệt ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn các tỉnh, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Về phía Ban Chỉ đạo Nghị quyết 02, trước mắt sẽ kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào thi đua các cấp từ Trung ương đến địa phương, yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua phù hợp với thực tế của bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Ngành NN&PTNN không thể thành công nếu không được sự ủng hộ của người nông dân, bởi kết quả đạt được chủ yếu là do người nông dân làm nên. Việc tái cơ cấu là cuộc cách mạng đối với ngành NN&PTNT, cần sự tham gia của các ngành các cấp, giai cấp công nhân và trực tiếp là đông đảo nông dân. Vì vậy, rất mong tới đây có sự hỗ trợ chung tay của TLĐLĐ Việt Nam và các ngành, các đơn vị và bà con nông dân vì công cuộc xây dựng nông thôn mới, thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa NN&PTNT Việt Nam.
Nhằm triển khai phong trào thi đua phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa NN&PTNT gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng hiệu quả, đề nghị TLĐLĐ và Bộ NN&PTNT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung NQLT02 cho phù hợp chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, việc xây dựng các chương trình phối hợp cũng như việc tổ chức phong trào thi đua các cấp, các ngành cần có tổng kết, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên cho phù hợp thực tế. (Đại diện LĐLĐ TP Hà Nội) |