KTĐT - Địa phương có số gia súc bị chết rét nhiều nhất là Lạng Sơn với hơn 4.100 con; tiếp đến là Cao Bằng hơn 3.300 con, Lào Cai 2.800 con, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái.
Theo thông báo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chiều 21/1, so với ngày hôm trước đã có thêm 3.000 con trâu, bò bị chết rét, nâng tổng số gia súc bị chết trong đợt rét đậm, rét hại này lên tới gần 23.000 con.
Địa phương có số gia súc bị chết rét nhiều nhất là Lạng Sơn với hơn 4.100 con; tiếp đến là Cao Bằng hơn 3.300 con, Lào Cai 2.800 con, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, tình hình rét đậm, rét hại có thể kéo dài qua Tết Âm lịch, do vậy khả năng số gia súc bị chết rét sẽ còn gia tăng, nhất là tại các huyện, xã vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các địa phương chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét, đói cho gia súc, gia cầm nhưng chưa đều, một số nơi còn chủ quan, chưa sâu sát đến cơ sở.
Để giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra tiếp tục triển khai, chỉ đạo quyết liệt Công điện số 70/TTg ngày 15/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 03/CĐ-BNN-CN ngày 14/1/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; huy động các tổ chức chính quyền, đoàn thể, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng chống rét, chống đói cho đàn gia súc, gia cầm đến từng thôn, bản; đặc biệt chú trọng huy động các nguồn vật liệu tại chỗ để che chắn gió, giữ khô chuồng trại, giữ ấm cho gia súc, bổ sung thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cho gia súc.
Bằng các nguồn kinh phí, các tỉnh tổ chức hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho nông dân các loại vật tư thiết bị như bạt, thức ăn tinh...
Hiện một số địa phương đang vận dụng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi nghèo, cận nghèo 5-10 kg thức ăn tinh (ngô hoặc lúa)/1 con trâu, bò cùng với bạt che gió (15-20m2/hộ); đồng thời thường xuyên thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của thời tiết và các biện pháp kỹ thuật, các kinh nghiệm hay trong phòng, chống đói, chống rét cho đàn gia súc./.