Doanh nghiệp tìm cách giữ chân lao động
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn gia tăng ở một số nước, tác động sâu sắc đến kinh tế Việt Nam. Lần đầu tiên sau hàng chục thập kỷ, số DN Việt Nam rời khỏi thị trường lớn hơn số thành lập mới.
Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình thông tin: Tính toán sơ bộ, đến tháng 6/2020 có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, số người bị ảnh hưởng thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3%; 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc nghỉ việc luân phiên, giãn việc. Dự báo, hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Trước những khó khăn về đơn hàng, một số DN như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã dự kiến trước mắt từ nay đến hết tháng 8/2020 sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 2.786 người; Công ty Dệt may Huê Phong sẽ cắt giảm hơn 2.000 lao động; Công ty gỗ Woodworth Wooden (TP Hồ Chí Minh) dự kiến cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50% và tỷ lệ này còn cao hơn trong những tháng cuối năm 2020. Nhiều DN khác đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ chân NLĐ.
Phó Trưởng ban Tổ chức và phát triển nguồn nhân lực - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) Nguyễn Bùi Lâm cho biết: Đến cuối tháng 6/2020 đã khôi phục hoàn toàn, sản lượng chuyến bay khai thác bằng thời điểm trước khi có dịch. Tuy nhiên, do chủ yếu là khách nội địa, giá vé thấp nên doanh thu mỗi tuần chỉ đạt 100 – 150 tỷ đồng, bằng 10 – 15% trước khi có dịch (1.500 tỷ đồng/tuần). Bởi vậy, VNA gặp rất nhiều khó khăn chi trả tiền lương cho NLĐ; tỷ lệ NLĐ đi làm xấp xỉ đạt 50%.
Đề nghị miễn đóng quỹ hưu trí, tử tuất
Để tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42, Quyết định 15. Tuy nhiên, để tiếp cận và thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, DN phải đáp ứng các điều kiện như không có doanh thu, bị cắt giảm 50% lao động... Vì thế, nhiều đại diện DN kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục để DN phát triển, đầu tư dài hạn. “Đối với điều kiện doanh thu giảm 20% là phù hợp nhưng điều kiện tài chính bằng 0 mới được vay là rất khó tiếp cận. Chúng tôi đề nghị xem lại điều kiện về tài chính để DN được hỗ trợ bởi thực tế nếu không còn quỹ lương dự phòng, không còn nguồn tài chính hợp lệ để chi trả cho NLĐ thì coi như DN phá sản” – ông Mạnh Cường cho hay.
Các DN cũng cho rằng, quy định cho tạm hoãn 6 tháng đóng quỹ tử tuất, hưu trí không có ý nghĩa vì thế kiến nghị không phải đóng để đỡ gánh nặng cho DN và NLĐ. “Đề nghị miễn đóng BHXH tháng 2, 3, 4 và giảm 50% đóng tháng 5, 6, 7/2020 để hỗ trợ cho DN phát triển. Vì trong quá trình cho NLĐ ngừng việc, chúng tôi đã phải trả lương cho NLĐ trên 4 triệu đồng/tháng” - một đại diện DN châu Âu kiến nghị.
Phản hồi về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH Vũ Trường Giang ghi nhận dù rất khó khăn nhưng không ít DN vẫn tìm mọi cách giữ chân NLĐ và duy trì hoạt động. Theo ông Giang, đóng BHXH là căn cứ vào tiền lương, BHXH là chia sẻ, không đóng thì không hưởng. Trong thời gian qua, đã có 1.500 DN được tạm dừng đóng bảo hiểm cho hơn 130.000 NLĐ với số tiền 500 tỷ đồng.
"Trong thời gian dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm may mặc giảm đi rất nhiều nhưng bù lại đã chuyển sang sản xuất hàng phòng chống dịch nên kết quả hoạt động 6 tháng qua không kém. Dù một số đơn vị có đơn hàng đến cuối tháng 7, 8 nhưng dự báo những tháng cuối năm May 10 sẽ gặp khó khăn." - Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Tổng Công ty May 10 Trần Mạnh Cường |