Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn dạy nghề với tạo việc làm mới

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để “không ai bị bỏ lại phía sau”, ngay khi cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ).

160.000 người lao động sẽ có việc làm
Năm 2021, TP Hà Nội có mục tiêu giải quyết việc làm cho 160.000 người. Để thực hiện mục tiêu TP đề ra, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của TP, địa phương đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình thị trường lao động hiện tại, xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng dân cho biết, kế hoạch của TP Hà Nội đã đề ra những giải pháp rất trọng tâm như tăng cường phát triển kinh tế để tạo việc làm cho NLĐ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường xuất khẩu lao động; giải quyết việc làm từ kênh ủy thác nguồn ngân sách của TP thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Cũng trong năm nay, Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo tiếp tục tổ chức đa dạng các phiên giao dịch việc làm. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin: Năm 2021 Trung tâm có kế hoạch tổ chức 262 phiên GDVL, trong đó có 237 phiên thường xuyên được tổ chức từ thứ Hai đến thứ Sáu ở 2 sàn chính là 215 Trung Kính, 144 Trần Phú và 13 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Cùng với đó là các phiên GDVL chuyên đề, lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, phiên GDVL online và lưu động. Mỗi phiên GDVL có từ 20 – 45 đơn vị tham gia, với 250 – 800 chỉ tiêu tuyển dụng.
Người lao động đang ứng tuyển tại Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh năm 2021. Ảnh: Thủy Trúc.
Để đạt mục tiêu này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đẩy mạnh tổ chức kết nối cho người sử dụng lao động và NLĐ trên mạng online. Đặc biệt, đầu năm 2021, TP Hà Nội đi đầu trong cả nước triển khai hoạt động Cổng thông tin dịch vụ việc làm Việt Nam (ESIP) tại Hà Nội nhằm đẩy mạnh số hóa trong các hoạt động thông tin thị trường lao động, mạng GDVL. Đồng thời tạo lập môi trường giao dịch trực tuyến cho NLĐ và DN, xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người...

Cổng ESIP tại Hà Nội đã phát huy tác dụng ngay từ ngày khai trương. Đại diện cho những tham gia tuyển dụng lao động qua Cổng ESIP, bà Nguyễn Phương Thúy đến từ Công ty Tokyolife nhận xét, qua Cổng ESIP, DN tìm được thông tin NLĐ ứng tuyển và dễ dàng kết nối, trao đổi với họ, đặc biệt còn kết nối được với cả NLĐ ở các tỉnh khác. Còn chị Nguyễn Thu Hương, trú tại huyện Đan Phượng chia sẻ: “Em muốn tìm công việc bán hàng hoặc kinh doanh ở khu vực huyện Hoài Đức và được nhân viên tư vấn nhiệt tình. Em thấy vào Cổng ESIP rất tiện ích, không tốn chi phí đi lại cũng như thời gian”.

Đa dạng các giải pháp tạo việc làm

Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng đề án tạo việc làm cho NLĐ. Đặc biệt là các huyện đang trong kế hoạch lên quận, có số lao động làm nông nghiệp chuyển đổi nghề tương đối lớn. Đơn cử, huyện Đông Anh năm 2021 đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 10.000 lao động. Trao đổi về tạo việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết: Đông Anh có tốc độ đô thị hóa cao và giải phóng mặt bằng hàng nghìn hecta đất trong những năm tới để thực hiện những nhiệm vụ, công trình trọng điểm của TP. Việc này đồng nghĩa với tỷ lệ lớn lao động nông nghiệp bị thu hẹp chuyển sang phi nông nghiệp, do đó giải quyết việc làm cho NLĐ là hết sức cần thiết...

“Chúng tôi đã phân kỳ, có kế hoạch chi tiết về đào tạo nghề và giải quyết việc làm thông qua tổ chức các phiên GDVL; kết nối đào tạo nghề trên địa bàn;. Đồng thời yêu cầu các DN khi có dự án trên địa bàn huyện cam kết có trách nhiệm quan tâm, đào tạo, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân” – bà Tám cho biết.

Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng thông tin, năm 2021, quận Cầu Giấy có chỉ tiêu hỗ trợ giải quyết việc làm cho 6.000 lao động. Quận xây dựng kế hoạch thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo việc làm. Bao gồm triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết triệt để các kiến nghị của DN, nhất là thủ tục hành chính, dịch vụ công, nguồn vốn tín dụng chính sách, thủ tục hoàn thuế, giải phóng mặt bằng... Song song với đó, quận Cầu Giấy thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển DN nhỏ góp phần phát triển mạnh DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Về phía các huyện có tỷ lệ NLĐ làm nông nghiệp đang giảm dần như Mỹ Đức lại chú trọng tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp – xây dựng, thương mại và dịch vụ. Trưởng phòng LĐTB&XH Mỹ Đức Trần Ngọc Nghìn chia sẻ, huyện chú trọng tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế của huyện như dê, gà, bò, rau sắng, thủy sản nước ngọt. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi, tập trung cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn đầu tư cho sản xuất thu hút lao động vào làm việc.

Nhiều quận, huyện cũng đặt ra kế hoạch tổ chức các phiên GDVL lưu động. Đây chính là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động. Đặc biệt là hỗ trợ các DN và NLĐ trên địa bàn và khu vực lân cận sau đại dịch Covid-19, để NLĐ có việc làm, DN tuyển dụng được lao động đúng nhu cầu để phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống cho NLĐ và gia đình họ.

"Hà Nội là một trong những thị trường lao động lớn nhất cả nước. Với việc triển khai Cổng thông tin dịch vụ việc làm Việt Nam tại Hà Nội đã cho thấy Hà Nội đã vào cuộc hết sức nhanh, sớm, bài bản và thuyết phục. Chúng tôi đánh giá rất cao TP Hà Nội năng động và sáng tạo trong việc phối hợp với Bộ LĐTB&XH để triển khai hoạt động này. " - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình


"Tôi làm việc tại Công ty TNHH TOA Việt Nam được 17 năm. Ngoài mức lương và các phúc lợi xứng đáng, nhà tôi ở huyện Đông Anh, làm ở KCN gần nhà nên cảm thấy thuận tiện. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tại công ty nơi tôi làm việc, NLĐ vẫn được đảm bảo việc làm, chế độ chính sách.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, đời sống của nhiều NLĐ, trong đó nhiều người bị mất việc làm, phải ở nhà. Vì vậy, tôi mong muốn Nhà nước, các cấp Công đoàn quan tâm hơn nữa những trường hợp không có việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid -19; hỗ trợ họ bằng những chính sách, hình thức nào đó phù hợp. " - Anh Phạm Đức Hòa – nhân viên Công ty TNHH TOA Việt Nam (KCN Thăng Long, huyện Đông Anh)

"Công ty tôi luôn quan tâm tới NLĐ tuy nhiên, mong muốn của tôi và có lẽ cũng như nhiều công nhân khác đang làm trong các KCN là được tăng lương, tăng thu nhập, tăng tiền thưởng Tết để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Làm công nhân, mức lương tôi nhận được mỗi tháng hơn 5 triệu đồng. Nếu Nhà nước có chính sách tăng lương thì cuộc sống của những công nhân như chúng tôi sẽ bớt đi khó khăn, vất vả hơn.

Tôi không phải thuê trọ, nhưng nhiều công nhân, bạn bè tôi ở xa đi làm ở KCN phải thuê trọ rất vất vả, tiền điện, nước phải chịu giá cao. Do đó, tôi mong các cấp công đoàn có chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân cũng như kiến nghị đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho công nhân KCN.

Cùng với đó, các công nhân thuê trọ cũng mong được giảm tiền điện, tiền nước, được hưởng giá như các hộ dân." - Chị Nguyễn Thị Thu - nhân viên Công ty TNHH Hokuyo Precision Việt Nam (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) (Hồng Thái ghi)