Gần gũi và chân tình, các cuộc tiếp xúc như những cuộc “nói chuyện” rất cởi mở, cử tri được nói lên lời tâm huyết của mình với Đảng, với đất nước và người đứng đầu Đảng đã lắng nghe, không bỏ qua bất cứ câu hỏi nào, các phát biểu dù ngắn nhưng sâu sắc và đi thẳng vào những trăn trở của người dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình tại buổi tiếp xúc ngày 17/10/2016. ảnh: Phạm Hùng |
Trong những lần tiếp xúc đó, vấn đề được nhiều cử tri đề cập đến là phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ. Có lẽ, đây cũng là một trong những điều trăn trở, lo lắng nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay, trước sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư đã không ít lần thẳng thẳn nêu trước cử tri, tham nhũng vặt cũng có, tham nhũng lớn, cấp dưới cũng có, cấp trên cũng có... tình hình tham nhũng rất nghiêm trọng. Ngày trước, dư luận mới chỉ nói về hiện tượng móc ngoặc của cán bộ, còn giờ, lợi ích nhóm giằng xé rất phức tạp. Tại lần tiếp xúc cử tri quận Ba Đình trước Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư đã nói: “Đối ngoại đã khó, chống ngoại xâm đã khó, nay chống nội xâm cũng khó, bởi tự ta đánh vào ta, ai dám tự phê bình, ai nhận kỷ luật, nhận khuyết điểm không?”. Và tại cuộc tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh, chống tham nhũng là cuộc chiến rất gian khổ, gay go mà phải làm thường xuyên, làm đi làm lại. “Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung"…Có thể nói rằng, qua những lần tiếp xúc cử tri ấy, những câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo sự quan tâm sâu sắc trong dư luận về công tác phòng, chống tham nhũng. Quan sát có thể thấy những phát ngôn ấy nhất quán cả về tư tưởng, quan điểm, ý chí và sự không khoan nhượng với vấn nạn tham nhũng như những sâu mọt muốn đục rỗng rường cột quốc gia. Cùng với những phát ngôn, Tổng Bí thư cũng có rất nhiều chỉ đạo cụ thể và được ví như những tiếng trống lệnh được Tổng Bí thư gióng lên. Sau tiếng trống ấy, đã có rất nhiều chuyển động quyết liệt trên mặt trận chống quốc nạn “nội xâm” – tham nhũng. Đó là vào tháng 5/2016, Tổng Bí thư chỉ đạo thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng. Hay liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, đích thân Tổng Bí thư đã hai lần trực tiếp chỉ đạo làm rõ vụ việc. Từ chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra T.Ư phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, kết luận những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh và coi đây là “việc cần làm ngay”, “xử lý tới cùng”, “công tâm, trong sáng, khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Cũng qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đã nhận định rằng, một vụ việc cụ thể như vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo là một việc cần thiết. Điều đó cho thấy, rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư; thấy rõ việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào.Còn nhớ, tại cuộc tiếp xúc cử tri ngay sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV, khi đó vụ việc Trịnh Xuân Thanh đang làm “điểm nóng” dư luận, trước mong muốn của không ít cử tri là đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa, Tổng Bí thư rất thẳng thắn cho rằng: Đây là lĩnh vực rất là quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn phức tạp. Liên quan đến lợi ích, danh dự của mỗi con người, mỗi đơn vị nên không dễ tí nào. Lợi ích chằng chịt nên rất khó khăn. Nhưng Đảng và Nhà nước quyết tâm làm để trong sạch bộ máy, nếu không thì gay go. Cùng với một số vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, rồi cả vụ Trịnh Xuân Thanh, “từng bước, chắc chắn, hiệu quả” là những từ được Tổng Bí thư nhắc đến. Và ngay sau khi Hội nghị T.Ư 4 Khóa XII ra Nghị quyết về vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong đó T.Ư đã chỉ ra 27 biểu hiện để nhận diện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cử tri và Nhân dân kỳ vọng Nghị quyết đã rất đúng và trúng, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước cũng rất mạnh mẽ, quyết liệt đúng tinh thần, phải thường xuyên, liên tục, kiên trì, kiên quyết, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ thu được kết quả, góp phần củng cố niềm tin của dân với Đảng.