Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn kết quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu của nhiều nước, những công trình xây dựng 5.000m2 sàn trở lên có tác động lớn đến giao thông, đặc biệt là tình trạng ùn tắc. Do đó, các kiến trúc sư buộc phải thiết kế tòa nhà cao tầng dựa trên tổng nhu cầu chuyến đi phát sinh gần tòa nhà.

 Tuy nhiên, tại các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, quy hoạch nhà cao tầng nội đô chưa được nhìn nhận đúng mức. “Các giải pháp chống UTGT có thể chia thành nhóm giải pháp chiến lược và tác nghiệp. Công tác quy hoạch đứng đầu nhóm giải pháp chiến lược, gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông. Nếu tách rời 2 loại quy hoạch này sẽ phạm sai lầm” - TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.
Chung cư chạy trước… giao thông
Tình trạng UTGT tại Hà Nội ghi nhận ngày càng nghiêm trọng và đến thời điểm hiện tại chưa tháo gỡ được tình trạng tắc đường “khổ lắm nói mãi”. Theo Bộ Xây dựng, giao thông tại Thủ đô đang ở tình trạng báo động do đất dành cho giao thông quá thấp, khoảng 8% trong khi yêu cầu theo tiêu chuẩn phải đạt từ 24 - 26% và theo luật là khoảng 16 - 26%. Đáng chú ý, việc tăng dân số cơ học ở vùng lõi, khu đô thị mới chưa kiểm soát đồng bộ gây áp lực lớn lên giao thông. Tại Singapore, Hongkong (Trung Quốc), mật độ dân số các quận nội thành chỉ khoảng 6.500 người/km2, thế nhưng ở Hà Nội lên đến 25.000 - 36.000 người/km2. Cách làm ồ ạt cao tầng hóa khu đô thị “lõi” trước hạ tầng giao thông là hướng đi trái ngược với kinh nghiệm các đô thị tiên tiến. Điều này dẫn đến việc gia tăng kẹt xe và ô nhiễm trong thời gian thi công dự án kéo dài nhiều năm.
 Trục đường Nguyễn Trãi quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Theo KTS Hoàng Đạo Kính, tình trạng ùn tắc trở nên cố hữu ở Hà Nội là do quản lý chứ không hẳn quy hoạch kém: "Quy hoạch chỉ là một thao tác, cái chính là quản lý thao tác này chưa tốt. Đáng lẽ phải tính được với yêu cầu chung cho một đô thị là 25% diện tích dành cho giao thông thì với khu dân cư mới phải xây một con đường rộng, dài thế nào, đường nối các khu dân cư với nhau ra làm sao. Ví dụ như khu Thanh Xuân và khu cận kề Đống Đa thì đường cần rộng, dài bao nhiêu để khi 2 triệu dân ở Thanh Xuân cùng lượng dân cư mới đổ ra đường vẫn đi được. Nhưng rất tiếc, chúng ta không quản lý quy hoạch. Việc quản lý đô thị kém dẫn đến hình thành các khu dân cư mới không kiểm soát. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nguy hiểm là việc quản lý thị trường địa ốc. Do thị trường này nóng, giá đất cao khiến việc làm mới, mở rộng đướng sá gần như không thể. Chúng ta bán đất, bán quy hoạch để xây các khu chung cư. Xây xong rồi đầu cơ để đẩy giá lên. Giá chung cư lên, giá nhà, giá đất lên theo. Rồi khi làm đường lại phải chi kinh phí đền bù quá lớn. Rất luẩn quẩn".
Phải quy hoạch mở rộng đường
UTGT đô thị là vấn đề toàn cầu, được các nhà làm chính sách và học giả nghiên cứu từ lâu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần tiến hành điều tra hiện trạng giao thông một cách toàn diện và có phương pháp để hiểu rõ nguyên nhân ùn tắc từng khu vực. Trước nhất Bộ Xây dựng phải cùng Hà Nội kiểm soát việc lập các quy hoạch theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn và yêu cầu được xác định trong Quy hoạch chung Hà Nội đã được phê duyệt. Trong đó đã xác định rõ tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20 - 26% đất xây dựng đô thị; tỷ lệ đất giao thông các đô thị vệ tinh chiếm 18 - 23% đất xây dựng đô thị; đô thị trung tâm được liên kết với đô thị vệ tinh bằng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng; các tuyến đường vành đai, xuyên tâm được hoàn thiện.
Việc di dời một số nhà máy ra khỏi khu vực trung tâm là chủ trương đúng, nhằm tái thiết đô thị. Tuy nhiên, việc xác định chức năng sử dụng, tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất phải được tính toán kỹ từ bài toán quy hoạch. Không thể để tràn lan tình trạng đất xây dựng chung cư cao tầng thì có nhưng dành cho giao thông thì khan hiếm. Giá trị đất tại các khu vực trung tâm rất lớn, nhưng cũng phải đảm bảo khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Cấp quản lý phải tính toán kỹ từ điều kiện hạ tầng để có giải pháp quy hoạch phù hợp, khống chế được quy mô dân số nhằm hạn chế UTGT. Trong điều kiện diện tích đường giao thông Hà Nội thấp, ngoài việc dành quỹ đất phát triển công trình nhà ở, thương mại, phải ưu tiên đất cho giao thông. Tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các tổ hợp công trình quy mô lớn. Ở các quốc gia tiên tiến, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại như tàu điện, đường cao tốc trên cao… thường tập trung tại các khu đô thị mới, vừa tạo hiệu quả kinh tế, vừa thu hút người dân đến sống và làm việc, vừa bảo vệ được di sản khu nội đô.