Trong bối cảnh này, việc tăng cường cho vay lại chính quyền địa phương thay vì cơ chế Chính phủ cấp phát ODA như hiện nay đã được đưa ra. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) về vấn đề này.
Thời gian qua, cơ chế sử dụng vốn ODA chủ yếu dựa vào cấp phát, điều này dẫn đến những hệ lụy như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư đã góp phần giúp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, thay đổi diện mạo của đất nước. Tuy nhiên, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách Nhà nước (NSNN), Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay đặt ra nhiều vấn đề. Đó là tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước và chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập. Mức độ tiếp cận nguồn vốn của các địa phương miền núi, khó khăn thường hạn chế hơn các tỉnh, TP lớn.
Vì thế, để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg, trong đó có nội dung tăng cường cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng thông qua cơ quan cho vay lại đối với nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Việc mở ra cơ chế mới như vậy có khiến các địa phương bị sốc? Ông có khuyến cáo gì để địa phương chủ động hơn trong vấn đề này?
- Về mặt tâm lý, khi chuyển từ cơ chế cấp phát sang cho vay sẽ khiến nhiều người e ngại. Do vậy, chúng ta cần đi trước để tạo bước đệm, để các địa phương hình thành tư duy quản lý. Mấu chốt cuối cùng là để các địa phương kiểm soát được khoản nợ đi vay, nâng cao năng lực sử dụng vốn ODA.
Vậy, nghĩa vụ vay và trả nợ theo cơ chế cho vay mới này sẽ được thực hiện như thế nào?
- Theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có hiệu lực từ năm ngân sách 2017 cùng với các văn bản hướng dẫn mà Bộ Tài chính đang thực hiện cũng quy định rõ thẩm quyền ở địa phương. Nghĩa vụ vay, trả nợ tại địa phương sẽ được bố trí từ ngân sách địa phương và từ việc thu hồi vốn các dự án đầu tư về.
Khi xác định một khoản vay, HĐND tỉnh, TP phải thẩm tra lại rõ ràng, giống như Quốc hội thẩm tra các báo cáo của Chính phủ. HĐND tỉnh, TP phải thẩm định khoản vay đó về làm gì, khoản vay đó có hiệu quả hay không, vay mức độ quy mô này có hợp lý hay không và các khả năng trả nợ của năm theo lịch trả nợ của khoản vay đó như thế nào. Từ đó, chính quyền địa phương mới có cơ sở triển khai, thực hiện.
Nếu chủ thể đi vay là chính quyền địa phương thì chúng tôi kiểm soát chính quyền địa phương. Nếu khoản vay ở T.Ư thì chúng tôi kiểm soát các bộ, ban, ngành.
Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát nợ ra sao khi chuyển sang cơ chế mới này, thưa ông?
- Muốn kiểm soát nợ chính quyền địa phương thì hình thành bộ phận quản lý nợ địa phương. Ở địa phương, bộ phận này nằm ở Sở Tài chính. Tuy nhiên, quan trọng hơn trong việc kiểm soát này là xác lập các kênh thông tin giữa các cơ quan địa phương với nhau để đảm bảo tính công bằng, tính thống nhất, tính minh bạch khoản vay. Như vậy, HĐND, UBND các địa phương điều hành khoản vay hợp lý hơn dựa trên nguồn thông tin đủ, đúng. Hiện nay, chúng tôi cũng đang thực hiện buộc địa phương đăng ký khoản vay. Tức là các khoản vay trước khi thực hiện đều phải đăng ký để kiểm soát.
Xin cảm ơn ông!
Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm, bao gồm: 3 nhóm các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách T.Ư (theo mức độ trợ cấp) và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách T.Ư. Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 2 nhóm, gồm nhóm các tỉnh nhận trợ cấp và nhóm các tỉnh có điều tiết về T.Ư. |